Thứ 4, 08/05/2024, 14:54[GMT+7]

Vốn tín dụng ngân hàng: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ 3, 15/12/2020 | 08:35:11
1,297 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phạm Đình Chiểu (thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) phát triển mô hình nuôi cá lồng từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Phạm Đình Chiểu ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư là người đầu tiên thành công trong việc đưa mô hình nuôi cá lồng trên sông về tỉnh. Ra vùng đất bãi ven sông Hồng từ năm 1992 để đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp nhưng hiệu quả mang lại không cao nên đến năm 2012, sau khi lặn lội vào miền Nam học hỏi người bà con và tìm hiểu về cách nuôi cá lồng trên sông cũng như cách đóng khung, làm lồng, xử lý đáy, ông Chiểu quyết định đóng 45 lồng cá để nuôi ở ven sông Hồng với thể tích mỗi lồng hơn 100m3. Thời gian đầu, do nuôi hiệu quả, có thời điểm sản lượng đạt tới 14 tấn cá/lồng nên từ 45 lồng ông Chiểu đã đóng thêm 31 lồng cá nữa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão năm 2016 đã khiến toàn bộ lồng cá của gia đình ông bị hư hỏng, gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. 

Nhớ lại những ngày đó, ông Chiểu tâm sự: Rất may mắn cho gia đình bởi đang trong lúc gặp khó khăn thì Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn để có thể khôi phục sản xuất. Nhờ nguồn vốn đó, ông Chiểu đã gia cố lại các lồng cá và đầu tư mua cá giống. Hiện tại ông đang duy trì nuôi 30 lồng cá lăng và cá trắm cỏ, trong đó chỉ riêng cá lăng cho thu hoạch từ 2 - 3 tấn/lồng; trung bình mỗi năm ông Chiểu thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 2 lao động.

Cũng như ông Chiểu, anh Vũ Văn Tiên, chủ cơ sở nội thất cao cấp Gỗ Tiên (thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) duy trì, phát triển được nghề mộc truyền thống của gia đình chính là nhờ có đóng góp tích cực của nguồn vốn tín dụng Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình. 

Anh Tiên cho biết: Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình luôn đồng hành, tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn với thủ tục nhanh chóng và đơn giản. Từ cơ sở ban đầu chỉ có diện tích 300m2, nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình anh Tiên tiếp tục mở rộng ra 3.000m2 với đa dạng sản phẩm, tiêu thụ không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn ở cả Nam Định và một số tỉnh miền Bắc, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập từ 160.000 - 600.000 đồng/người/ngày.

Sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng, cơ sở nội thất cao cấp Gỗ Tiên (thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) của anh Vũ Văn Tiên tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Để thực hiện hiệu quả Nghị định số 55 của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến từng đơn vị, cán bộ và nhân viên, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong thực hiện các giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động cải tiến phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, đẩy mạnh huy động vốn tạo nguồn lực để ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, tập trung cho vay phát triển mô hình trang trại, gia trại, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề... Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn còn tập trung phát triển mạng lưới hoạt động về khu vực nông thôn cũng như chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cường đầu tư, lắp đặt các máy ATM nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đến hết tháng 12/2020, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ của các TCTD trên địa bàn ước đạt 24.240 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng dư nợ cho vay toàn ngành, tăng 1,85 lần so với thời điểm 31/12/2016 với gần 114.000 khách hàng đang vay vốn.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ, ông Trần Minh Hạc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Đây là chính sách lớn, đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Chính vì thế, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, trong đó tập trung cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vùng sản xuất hàng hóa tập trung; trang trại, gia trại, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn; phát triển công nghiệp, nghề và làng nghề...

Minh Hương