Thứ 4, 24/07/2024, 00:28[GMT+7]

Kỹ thuật làm đất, xử lý rơm rạ hạn chế bệnh bạc lá vụ mùa

Thứ 5, 19/06/2014 | 08:17:36
2,017 lượt xem
Trong thâm canh lúa có câu nói: “Nhất thì, nhì thục” nghĩa là xác định thời vụ và làm đất là hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Ðể kịp thời vụ cấy lúa mùa, hạn chế bệnh bạc lá thì khâu làm đất, xử lý rơm rạ sau gặt cần khẩn trương và đúng kỹ thuật. Ðiều này đặc biệt quan trọng với các địa phương có diện tích lúa mùa sớm trồng cây vụ đông ưa ấm.

Nông dân xã An Quý (Quỳnh Phụ) làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Ảnh: Ngọc Linh

Vụ mùa năm 2013, bệnh bạc lá phát sinh rất mạnh, làm giảm năng suất nghiêm trọng cả 8 huyện, thị trong tỉnh. Một trong những nguyên nhân gây bạc lá là do quá trình làm đất muộn, lại cấy ngay nên đất chưa kịp ngấu, gốc rạ không kịp phân hủy, do ruộng nghèo vi sinh vật gây ra các khí độc như H2S, CH4... làm ngộ độc không chỉ bộ rễ mà còn giải phóng chất dinh dưỡng muộn làm dư đạm cuối vụ. Khi lúa bị ngộ độc, lá vàng nông dân thường bón đạm bổ sung cho lúa sẽ tạo lá xanh non, cây mềm mỏng nên gặp mưa dông dễ gây bạc lá cuối vụ.

Ðể giúp cây lúa sinh trưởng tốt, bền lá cuối vụ bà con cần tuân thủ kỹ thuật làm đất, xử lý rơm rạ như sau:

- Tranh thủ thu hoạch lúa xuân càng sớm càng tốt, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng đất một cách nhanh nhất, hạn chế lúa bị đổ ngã cuối vụ. Ðồng thời nên giữ nước lúc gặt để  giữ lấm mặt ruộng.

- Với ruộng vàn cao cấy trà sớm: gặt sát gốc rạ, thu rơm rạ vào một góc ruộng, xử lý bằng vôi bột 15 - 20 kg/sào hoặc các chế phẩm sinh học rồi tiến hành cày dầm giữ nước 5 - 7 ngày thì có thể bừa cấy được.

- Với ruộng thấp trũng cấy trà trung: Thường gặt lưng cây lúa. Sau gặt giữ nước, rắc mỗi sào 25 - 30kg vôi bột, kết hợp với các chế phẩm sinh học rồi cày lồng giập rạ, giữ nước 10 - 15 ngày là bừa cấy.

Một số chế phẩm sinh học giúp xử lý gốc rạ:

Phân vi sinh Azotobacterin: là loại phân kết hợp nhiều chủng vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật cố định đạm từ khí trời, vi khuẩn phân giải các chất hữu cơ, vi khuẩn chuyển hóa các chất khó tiêu thành dễ tiêu, vi khuẩn ức chế sinh trưởng của nấm hại. Khi bón phân vi sinh Azotobacterin sẽ cải tạo được hóa tính của đất trồng nhờ việc tích lũy và gia tăng hàm lượng hữu cơ, phân giải các chất xơ như rơm rạ làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, tăng số lượng và chủng loại vi sinh vật có ích trong đất. Ðồng thời nâng cao chất lượng nông sản do các hoạt động của vi sinh vật góp phần làm giảm các độc tố, tăng cường quá trình tích lũy và hình thành các chất dinh dưỡng trong bộ phận thu hoạch.

Cách làm: Rắc mỗi sào 7 - 10kg phân vi sinh Azotobacterin rồi tiến hành cày dầm, giữ nước 5 - 7 ngày là bừa cấy được.

Chế phẩm Fito-Biomix RR

Nguyên liệu cho 1 sào cần: Chế phẩm Fito - Biomix: 200g; Chế phẩm xử lý H2S: 200ml; Ðất bột hoặc cát.

Cách làm:

+ Tiến hành trộn đều 200g chế phẩm Fito - Biomix với 3kg đất bột hoặc cát sạch sau đó trộn tiếp với 200ml chế phẩm xử lý H2S.

+ Rắc đều hỗn hợp vừa trộn xuống 1 sào gốc rạ sau đó tiến hành cày lật và đưa nước vào ruộng ngập 7 - 10cm.

+ Sau 7 - 10 ngày là bừa cấy được.

      Mai Thị Thu Hương

(Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư)

  • Từ khóa