Thứ 3, 07/05/2024, 03:16[GMT+7]

Cháo hoàng kỳ dành cho người cảm cúm và bệnh nhân Covid-19

Thứ 2, 02/08/2021 | 09:06:26
2,630 lượt xem

1. Lịch sử của món cháo
- Có lẽ món cháo xuất hiện từ khi con người biết ăn hạt ngũ cốc và biết dùng lửa.
Nếu chúng ta ngược dòng lịch sử thì thấy trên bia đá cổ nhân có ghi chép lại món cháo đã có cách đây khoảng 2.500 năm trước Công nguyên.

- Trong cuốn sách Thương hàn tạp bệnh luận của thánh y Trương Trọng Cảnh đã miêu tả rất tỉ mỉ về công dụng trị liệu của cháo và coi cháo như một phương thuốc quý.

- Ngày 8/12 âm lịch hàng năm là lễ hội cháo Laba (còn được gọi là ngày bồ đề), ngày này là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa dưới gốc bồ đề khai công khai ngộ. Tương truyền, khi Đức Phật nhập định tu hành dưới gốc bồ đề 49 ngày nhịn ăn, khi đó từng có một tín đồ tên là Sujata đã dùng trái cây và ngũ cốc nấu thành cháo nhưng chỉ chắt lấy nước dâng lên Phật Đà.

Để kỷ niệm ngày Đức Phật khai ngộ, hàng năm, vào ngày 8/12 âm lịch, các ngôi chùa hầu hết ở khắp mọi nơi đều nấu cháo dâng Phật và phân phát cho khách thập phương. Có lẽ bát cháo đã giúp sức cho Ngài và nó đã trở thành món ăn quan trọng trong tăng đoàn, được xem như một thứ thực dược và thường được Đức Phật nhắc đến trong kinh Phật.

2. Có bao nhiêu loại cháo

- Cháo được xem như như một bài thuốc cổ phương chỉ có hai vị chính đó là gạo và nước (gọi là cháo hoa).

- Từ cháo hoa ta có thể chế biến ra vô vàn các loại cháo khác nhau, mỗi loại có hương vị khác nhau, độ ngon bổ khác nhau, tác dụng chữa bệnh khác nhau như: cháo hành, cháo tía tô, cháo thịt gà, cháo bò, cháo chim, cháo trai, cháo đỗ xanh, cháo rau ngót, cháo củ cải, cháo trứng gà...

3. Ăn cháo có lợi ích gì cho sức khỏe?

a) Cháo có thể điều chỉnh khẩu vị và kích thích thèm ăn, đặc biệt thích hợp cho những người răng kém, chán ăn hoặc mệt mỏi.

b) Cháo có thể kiện Tỳ ích Vị, dưỡng âm và sinh tân dịch.
Cháo nhừ mềm lỏng và dễ tiêu hóa, cháo là lựa chọn tốt nhất giúp cơ thể nhanh hấp thụ, chóng bổ sung năng lượng và tăng cường thể lực, tốt cho dạ dày và đường ruột.

c) Cháo cung cấp năng lượng làm ấm cơ thể, thúc đẩy cơ thể đổ mồ hôi và giải cảm giải độc, loại bỏ tà khí, đặc biệt phù hợp với những người bị cảm mạo.

d) Cháo làm tăng cường hiệu quả trị liệu của thảo dược.
Thánh y Trương Trọng Cảnh từng đề cập, sau khi uống thuốc, căn cứ tình trạng bệnh nhân mà ăn bổ sung cháo nóng hoặc nguội, tùy gia thêm món gì vào cháo… để hỗ trợ tác dụng của thuốc.

e) Cháo là món ăn nên dùng vào bữa sáng và ăn đêm, vừa nhẹ bụng vừa dễ tiêu và có lợi cho bộ máy tiêu hóa.

* Lưu ý khi dùng cháo:
- Người gầy yếu, người lạnh, cảm lạnh thì nên ăn cháo nóng.
- Người nóng nhiệt, cảm nóng thì nên ăn cháo nguội.
- Người béo nên ăn cháo loãng, ăn ít cháo, ít thịt cá ít trứng, cho thêm nhiều rau và cháo loãng.
- Người bị cảm mạo nên ăn cháo tía tô hành, ngải cứu... giải cảm.

MÓN CHÁO BỔ HOÀNG KỲ
* Thành phần:
- Hoàng kỳ 50g (bổ khí, miễn dịch)
- Hạt sen 40g (an thần)
- Đậu xanh cả vỏ 40g (giải độc)
- Kỷ tử 20g (bổ huyết)
- Gạo tẻ ngon 50g (tinh bột)
- Rẻ xương sườn lợn 150g (dinh dưỡng)
- Gừng tươi 3 lát (ôn ấm cơ thể)

* Cách chế biến:
- Cho hoàng kỳ và 2 lít nước vào đun 30 phút rồi gạn lấy nước, bỏ bã.
- Cho gạo, xương sườn, hạt sen, đỗ xanh và gừng vào nồi, đổ nước hoàng kỳ vào, đun nhỏ lửa cho tới khi nhừ.
- Cho kỷ tử vào đun tiếp 7 phút.
- Múc ra bát ăn bữa sáng và bữa giữa giờ trong ngày.
Nên ăn vài ngày liền cho khỏe.

* Tác dụng: Bổ khí huyết, nâng cao chính khí, tăng khả năng miễn dịch, bồi bổ sức khỏe, nhất là sau khi ốm dậy, người yếu mệt, giúp nhanh bình phục sức khỏe.
Đặc biệt tốt cho người cảm cúm và bệnh nhân Covid -19.


Bác sĩ Bùi Vũ Khúc