Thứ 6, 22/11/2024, 16:28[GMT+7]

Cần hiểu biết gì, cần làm gì và chuẩn bị những gì nếu như ta bị mắc Covid-19 và nếu như bệnh viện quá tải

Thứ 2, 09/08/2021 | 09:07:45
2,313 lượt xem

Kịch bản xấu đã xảy ra hiện hữu ở một số quốc gia đó là số bệnh nhân Covid-19 nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện. Khi đó ai ở đâu phải ở tại đó. Nếu như chúng ta không biết mình phải làm gì và trong tay chúng ta không có gì để tự chữa trị thì cực kỳ nguy hiểm. Thực ra điều trị bệnh này cũng không có gì quá đặc biệt. Về nguyên tắc chữa trị thì nếu có triệu chứng gì ta chữa triệu chứng đó và kết hợp với chế độ ăn uống dinh dưỡng tốt nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi, an thần, tập luyện và đề phòng bệnh dịch lây lan.

A. CẦN HIỂU BIẾT GÌ, CẦN LÀM GÌ VÀ CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

Biết được các triệu chứng chính mà ta có thể tự xử lý được tại nhà
1. Sốt cao và mất nước
* Làm gì khi sốt cao và mất nước?
- Hạ sốt:
Bước 1: Dùng khăn ấm lau mặt, cổ, nách, bẹn (để cho cơ thể thích nghi dần từ nóng sang lạnh, từ dương sang âm vì nếu đang sốt cao mà ta chườm lạnh đột ngột sẽ làm người bệnh ớn lạnh nổi da gà mà khiếp sợ).
Bước 2: Dùng khăn lạnh đắp lên trán, lên nách và bẹn, thay khăn lạnh 2 - 4 lần trong thời gian từ 20 - 30 phút.
- Cho uống nhiều nước mát: Các loại nước uống rất tốt là nước chanh, nước bột sắn dây, nước gạo rang, đỗ đen hoặc đỗ xanh rang có pha thêm với đường (tác dụng bù nước, hạ nhiệt, thải độc). Nếu có lá diếp cá, tía tô, rau má, bồ công anh, xay ép lấy nước cho uống sẽ hạ sốt rất tốt.
Nếu có nôn nhiều thì cho uống bổ sung nước pha gói ô-rê-zôn (có tác dụng bù điện giải).
- Nếu có điều kiện truyền dịch là tốt nhất (nhưng trong lúc cơ sở y tế quá tải thì điều này khó mà thực hiện).
- Cho uống thuốc hạ sốt: Paracetamon 500mg hoặc Tylenol 500mg (đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng).

2. Ho khan và đau họng
* Làm gì khi ho khan và đau họng?
- Uống trà gừng.
- Uống thuốc ho bổ phế.
- Súc họng miệng nhiều lần bằng nước pha dầu phật linh (1 lít nước sôi nguội pha 1 lọ dầu phật linh, lắc đều mỗi khi súc miệng nên nuốt một chút mỗi lần súc miệng).

3. Khó thở
* Làm gì cho dễ thở?
- Day, bấm, vỗ rung dọc hai bên cạnh cột sống lưng (đoạn từ ngang vai xuống hết đoạn ngang thắt lưng - tương ứng với các huyệt và du huyệt của lục phủ ngũ tạng mà đặc biệt là Phế du, Tâm du, Can du, Đởm du, Tỳ du, Vỵ du, Tam tiêu du, Thận du, Khí hải du, Quan nguyên du, Tiểu trường du, Đại trường du và Bàng quang du).
- Day bấm huyệt Đản trung (điểm giữa ức gặp đường nối 2 đầu vú).
- Vỗ rung vùng ngực hai bên, tương ứng vùng 2 lá phổi.
(Tác dụng day bấm huyệt và vỗ rung làm lưu thông khí huyết, nâng cao chính khí thể trạng, hóa tan đờm dịch ứ đọng trong khí phế quản, phế nang làm thông đường thở).
- Uống nước sắc 5 vị thuốc bổ khí:
+ Hoàng kỳ 15g
+ Táo tàu 5 quả
+ Đảng sâm 15g
+ Cam thảo 5g
+ Lá đinh lăng sao vàng 1 nắm
Đổ 6 bát nước sắc kỹ nhỏ lửa còn 2 bát uống nhiều lần trong ngày, uống hết có thể sắc lại nước 2 uống tiếp (tuy nhiên còn có nhiều vị thuốc khác nhưng 5 vị thuốc trên dễ kiếm, không đắt tiền mà vẫn có tác dụng rất tốt).
- Nếu có điều kiện thì cho thở máy, thở ôxy (nhưng trong lúc các cơ sở y tế quá tải thì điều này khó thực hiện).

B. ĂN UỐNG VÀ TẬP LUYỆN

1. Nếu mệt khó ăn thì nên cho ăn cháo nấu nhừ lẫn với rau củ quả và thịt.
Nếu vẫn ăn được cơm thì ăn tăng thức ăn như thịt, cá, trứng, tăng rau xanh; món ăn nên nấu có tra gừng, tỏi phù hợp.
Ăn bổ sung các loại quả để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

2. Uống bổ sung vitamin E, vitamin C, vitamin D và vitamin B1. Uống thuốc an thần đông y như Xen vông, Rotunda, Mimosa...

3. Phải duy trì tập luyện tùy khả năng sức khỏe.

C. ĐỀ PHÒNG DỊCH LÂY LAN
- Bố trí phòng riêng cách ly bệnh nhân.
- Khẩu trang kín.
- Xịt cồn tay và lau khử khuẩn những vật hay cầm nắm: chốt khóa cửa, phòng vệ sinh, tay vịn cầu thang, nút thang máy...
- Rửa tay thay đồ ngâm giặt xà phòng thường xuyên.
- Khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát đũa để riêng và khi dùng xong cần xả ngay nước sôi và ngâm xà phòng.
- Xử lý tốt rác và chất thải, không vứt bừa bãi.

D. NÊN CHUẨN BỊ SẴN
- Đỗ đen, đỗ xanh, bột sắn dây, chanh, đường, gừng tỏi luôn có trong nhà.
- Thuốc hạ sốt, dầu phật linh, các loại vitamin, gói ô-rê-zôn như đã đề cập ở trên.
- Một kẹp đo nhiệt độ.
- Các vị thuốc bổ khí: hoàng kỳ, táo tàu, đảng sâm, cam thảo, đinh lăng.

CHÚC MỌI NGƯỜI SỨC KHỎE VÀ BÌNH AN!

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày