Thứ 2, 06/05/2024, 12:44[GMT+7]

Đồng bào Công giáo: Thi đua yêu nước

Thứ 6, 13/08/2021 | 09:03:02
2,483 lượt xem
Nêu cao tinh thần “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam, những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đường giao thông trong khu dân cư được bà con giáo dân Giáo xứ Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận (Vũ Thư) đóng góp xây dựng đồng bộ.

Thi đua phát triển kinh tế, gia đình giáo dân Phạm Ngọc Anh, Giáo xứ Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận (Vũ Thư) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín nuôi hơn 200 con lợn thịt, mở rộng diện tích trồng cây cảnh, đào ao nuôi cá, mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, thu mua hoa hòe... Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng/năm. 

Anh Phạm Ngọc Anh chia sẻ: Từ nguồn thu nhập này tôi có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang, đóng góp xây dựng hạ tầng trong khu dân cư, ủng hộ các quỹ, giúp đỡ gia đình hoàn cảnh khó khăn. 

Ông Trần Văn Thưởng, Trùm trưởng Giáo xứ Thuận Nghiệp cho biết: Thi đua phát triển kinh tế, bà con trong Giáo xứ đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện vận tải, xây dựng nhà kho, tổ chức thu mua hoa hòe của bà con trong vùng. Nhiều hộ đầu tư mở rộng kinh doanh vận tải và các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, đời sống của bà con thay đổi rõ rệt, trong Giáo xứ không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ giàu và khá tăng, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, bà con giáo dân ở 113 giáo xứ, 230 họ giáo trên địa bàn tỉnh đều tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, đồng bào Công giáo đã cần cù, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, các trang trại, gia trại của giáo dân với năng suất, sản lượng nông sản hàng năm đều tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng lúa đặc sản hàng hóa chất lượng cao của giáo dân huyện Vũ Thư, Quỳnh Phụ; vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông của giáo dân huyện Thái Thụy, Kiến Xương; vùng chuyên canh hoa, đào, quất cảnh của giáo dân thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, Hưng Hà... Ngoài ra, bà con giáo dân còn tích cực đầu tư vốn phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ, đầu tư phát triển nghề truyền thống và mạnh dạn đưa nghề, dịch vụ mới về địa phương, hình thành các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều làng nghề tại các giáo xứ, giáo họ có tổng thu nhập hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ở các xã ven biển của huyện Tiền Hải, Thái Thụy, bà con giáo dân tích cực bám biển, khai thác lợi thế từ biển, đầu tư nuôi tôm, cua, ngao và rau câu, đánh bắt hải sản... nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các linh mục cùng bà con giáo dân trong tỉnh đã tích cực tham gia nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cùng địa phương xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hàng năm có trên 95% hộ giáo dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và thực hiện các nội dung thi đua được cụ thể hóa trong các hương ước, quy ước của khu dân cư. Hầu hết các khu dân cư vùng giáo đều thực hiện tốt phong trào tự quản với hàng trăm tổ tự quản, tổ hòa giải hoạt động hiệu quả góp phần tích cực duy trì trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Phong trào khuyến học, khuyến tài được các xứ, họ giáo triển khai hiệu quả đã kịp thời động viên các cháu học sinh vươn lên trong học tập. Nhiều xứ, họ giáo đã thành lập quỹ khuyến học với số dư lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các vị linh mục và bà con giáo dân còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2020, toàn tỉnh có 270/343 giáo xứ, họ giáo đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. Bên cạnh đó, các vị linh mục và bà con giáo dân còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vùng giáo trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các vị linh mục và bà con giáo dân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đi bầu cử, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

Hiệu quả từ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo các vùng giáo trên địa bàn tỉnh với cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện, nâng lên; niềm tin của đồng bào Công giáo vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được củng cố, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Giáo dân Giáo xứ Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận (Vũ Thư) làm giàu từ trồng hoa và cây cảnh.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày