Thứ 3, 23/07/2024, 02:24[GMT+7]

Hướng dẫn tra cứu F0 đang cách ly điều trị Covid-19

Thứ 4, 25/08/2021 | 15:04:43
386 lượt xem
Người dùng có thể nhập thông tin người thân đang điều trị, cách ly Covid-19 để theo dõi tình trạng sức khoẻ và số điện thoại liên hệ.

Giao diện Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 của Sở Y tế TP HCM.

Khi truy cập Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19, do Sở Y tế TP HCM triển khai, người dân chỉ cần điền họ tên của người nhà là có thể tra cứu danh sách tình trạng sức khoẻ và các thông tin liên lạc cần thiết. 

Để có kết quả chính xác, ngoài họ tên, người dùng có thể nhập thêm các thông tin như năm sinh, số CMND, địa chỉ, số điện thoại, sau đó điền mã xác nhận và bắt đầu tra cứu.

Hệ thống sẽ hiển thị thông tin về nơi F0 đang điều trị, cách ly, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của bệnh viện. Tiếp đó là thông tin của người bệnh, trong đó có tình trạng sức khoẻ hiện tại với mức độ nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch hoặc không triệu chứng. Hệ thống cũng thông báo việc F0 đang điều trị, đã xuất viện hay rời khu cách ly.

Theo đại diện Sở Y tế TP HCM, ngoài hỗ trợ tra cứu thông tin về người bệnh, hệ thống cũng sẽ gửi tin nhắn, cập nhật tình trạng sức khoẻ của người đang được điều trị qua số điện thoại người thân. Số điện thoại này được đăng ký khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện, đi cách ly. Nếu có thay đổi về tình trạng bệnh, thông tin chuyển viện, xuất viện..., người nhà sẽ được thông báo ngay.

Nguyễn Hữu Anh, tại quận Bình Thạnh, cho biết mỗi ngày hai lần anh đều lên hệ thống để cập nhật. "Mẹ mình đã lớn tuổi, không quen dùng điện thoại. Mấy ngày đầu khi nhập viện, mọi người trong gia đình đều lo lắng vì không nắm được tình hình. Hôm nay tròn một tuần mẹ nhập viện, tình trạng sức khoẻ đang được cập nhật trên hệ thống ở mức trung bình nên mọi người cũng bớt lo phần nào", Hữu Anh nói.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho biết khi nhập đủ họ tên, số CMND, năm sinh, hệ thống vẫn không hiển thị thông tin. "Chị mình đang ở trong khu cách ly của ký túc xá Đại học Quốc gia nhưng giờ hệ thống vẫn chưa có thông tin", Quế Chi (Gò Vấp) nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại việc công khai dữ liệu người bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư. Ví dụ, chỉ cần nhập họ tên vào hệ thống, người dùng có thể có được nhiều thông tin cá nhân của người bệnh như năm sinh, số CMND, địa chỉ nhà. Hoàng Can, kỹ sư an toàn thông tin tại TP HCM, cho biết: "Những thông tin cá nhân này nếu rơi vào tay kẻ lừa đào sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, ngoài việc cung cấp tình trạng của người bệnh, cũng cần tính đến phương án bảo mật thông tin cho người dùng".

Phản hồi về việc nhiều thông tin cá nhân hiển thị trên hệ thống, đại diện hệ thống cho biết, ngay từ khi xây dựng nền tảng tra cứu, đội ngũ kỹ thuật phải cân nhắc rất nhiều về việc vừa đảm bảo quyền riêng tư cho người dân vừa giúp người nhà dễ dàng tra cứu thông tin của F0, F1.

"Khó khăn của đội ngũ vận hành, các y bác sĩ là không phải ai nhập viện cũng cung cấp đủ các thông tin cần thiết. Nhiều người không có số điện thoại hoặc không nhớ số CMND, khiến người nhà rất khó tìm thông tin chính xác. Thời gian tới, đội ngũ phát triển sẽ tiến hành thêm các tính năng, đảm bảo chỉ người nhà của bệnh nhân mới tra cứu được thông tin của F0", đại diện Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 nói.

Cụ thể, ngoài họ tên, trường thông tin về năm sinh cũng có thể được đưa vào mục bắt buộc để bảo vệ danh tính của các bệnh nhân đang điều trị nhưng vẫn cung cấp kịp thời tình trạng của F0. Ngoài ra, dữ liệu về bệnh nhân đã xuất viện, khỏi bệnh cũng được xem xét xoá khỏi hệ thống.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày