Chủ nhật, 19/05/2024, 17:56[GMT+7]

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Thứ 6, 17/09/2021 | 08:10:46
1,302 lượt xem
Thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tiếp sức, tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ vươn lên khẳng định vị trí của mình trong gia đình, xã hội, những năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) Thái Bình đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình kinh tế.

Phụ nữ xã Thụy Liên (Thái Thụy) chăm sóc cây màu.

Tại xã Tây Giang (Tiền Hải), Hội LHPN xã được vay 5 triệu đồng, lãi suất 0% trong vòng 6 tháng để đầu tư vốn ban đầu triển khai quầy hàng chị Nestlé cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong gia đình như hạt nêm, sữa trẻ em, cà phê... Quầy hàng chị Nestlé chỉ mua hàng từ nhà phân phối của Nestlé và chỉ bán hàng cho người tiêu dùng, không bán cho các cửa hàng. Đây là hoạt động hiện thực hóa đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 được triển khai trên địa bàn tỉnh. 

Chị Tô Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Dù mới được triển khai, thu nhập của chị em còn thấp nhưng mô hình quầy hàng chị Nestlé tạo thêm việc làm, chị em có thêm kỹ năng bán hàng để tăng thu và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Những năm gần đây, tại huyện Quỳnh Phụ có một số mô hình khởi nghiệp thành công của phụ nữ như: Mô hình trồng cây ăn quả của chị Phạm Thị Họa, xã Quỳnh Ngọc thu khoảng 200 triệu đồng/năm; mô hình tích tụ ruộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của chị Nguyễn Thị Làn, xã Quỳnh Thọ thu khoảng 600 - 700 triệu đồng/vụ lúa; tổ hợp tác đan cơi cói xuất khẩu tại xã An Mỹ tạo việc làm cho 70 chị em lúc nông nhàn với thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng... Tất cả đã tạo nên phong trào khởi nghiệp sôi nổi. Khi phụ nữ khởi nghiệp thành công, vai trò của chị em được thể hiện rõ hơn. Không chỉ đảm việc gia đình, chị em còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. 

Chị Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trong quá trình vận động hội viên khởi nghiệp, cán bộ Hội luôn tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Khi kế hoạch được triển khai, chị em mong muốn tổ chức đồng hành ở phương diện nào, như cung cấp kiến thức, chính sách, cách tiếp cận khoa học công nghệ hay vay vốn thì Hội sẽ tạo điều kiện giúp đỡ kịp thời và đúng trọng tâm.

Thực tế, nhu cầu khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh của phụ nữ Thái Bình tăng nhanh, nhiều chị em đã định hướng cho việc kinh doanh của mình tạo thu nhập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp của phụ nữ còn gặp một số khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, cơ sở vật chất... Do đó, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế luôn được các cấp hội quan tâm với nhiều hình thức hoạt động, tạo động lực giúp chị em khởi nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng ngành nghề của gia đình. 

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ hội và phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp kiến thức về khởi nghiệp, kinh doanh; tổ chức ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2019, 2020 và tham gia các hoạt động ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng, cấp trung ương; tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với 39 đề án/ý tưởng; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Với vai trò là người bạn đồng hành của phụ nữ trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế, các cấp hội là cầu nối để chị em tiếp cận các nguồn vốn vay. Hiện các cấp hội đang quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ TYM, Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình khoảng 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội đã vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tiết kiệm bằng nhiều hình thức, đến nay tổng dư nợ tiết kiệm 191,8 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế gia đình... Các cấp hội đã giúp được 1.342 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã và 31 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý.

Cơ sở đan sản phẩm nhựa giả mây của chị Đỗ Thị Thuộc, xã Bình Định (Kiến Xương) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Với nhiều cách làm, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 đã và đang khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày