Thứ 2, 25/11/2024, 01:07[GMT+7]

Nhiều giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 6, 17/09/2021 | 08:51:09
5,748 lượt xem
Mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều đề án, mô hình đã được ngành dân số triển khai nhằm từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân huyện Đông Hưng.

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Theo đánh giá, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh số trẻ em sinh ra là trai thường cao hơn số trẻ sinh ra là gái. Tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 110,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, là một trong những mô hình được triển khai từ rất sớm, đã và đang duy trì tại 165 xã của 8 huyện, thành phố với 165 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ ba cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Tham gia CLB, chị em được phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai, kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan... 

Chị Đỗ Thị Toan, chủ nhiệm CLB phụ nữ không sinh con thứ ba xã Nam Bình (Kiến Xương) cho biết: CLB phụ nữ không sinh con thứ ba của xã hiện có 180 thành viên, trong đó 45% chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu như trước đây mỗi quý CLB sinh hoạt một lần, theo từng chủ đề khác nhau như: chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi... thì thời điểm này CLB sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ, phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Tham gia CLB, các thành viên đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh ít con đối với hạnh phúc gia đình và toàn xã hội. Từ đó mỗi thành viên sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng. Bên cạnh đó, để giúp chị em phát triển kinh tế, CLB huy động quỹ từ các thành viên cho chị em vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, các thành viên trong CLB được hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, trao đổi kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh, phát triển nghề phụ.

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành dân số còn phối hợp với ngành Giáo dục triển khai có hiệu quả các mô hình tại các trường học như: mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” duy trì tại 49 xã với 49 CLB “Các bạn gái tiêu biểu”, mô hình “Lồng ghép nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 21 trường THCS... Bên cạnh duy trì, phát triển các mô hình, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động truyền thông gián tiếp được chú trọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, tờ rơi, tuyên truyền lưu động. Ngoài ra, việc tư vấn về sức khỏe sinh sản cũng thường xuyên được trạm y tế các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thực hiện. 

Bà Phạm Thị Minh Thêu, cán bộ Trạm Y tế xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) cho biết: Tại các buổi khám thai định kỳ, chúng tôi tuyên truyền cho các bà mẹ nội dung về chênh lệch giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền theo nhóm, tư vấn tại nhà cho các gia đình, chú trọng tư vấn, nắm bắt tâm tư của những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chia sẻ về những hệ lụy của việc lựa chọn giới tính. Từ đó nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là một trong những giải pháp để giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính.

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết thêm: Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1472 của Bộ Y tế và Quyết định số 1288 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2025. Tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động xuất bản, phát hành các ấn phẩm, thông tin lên website nội dung tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Tích cực tuyên truyền cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp về công tác dân số - KHHGĐ nói chung, mất cân bằng giới tính nói riêng phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Ngoài ra, phối hợp với ngành Giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình trong các trường học. Mục tiêu đến năm 2025 Thái Bình sẽ khống chế được tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên.

Thu Hoài