Thứ 2, 23/12/2024, 01:49[GMT+7]

Ngày dân số thế giới 11/7 Bảo vệ quyền, sức khỏe, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Thứ 2, 12/07/2021 | 08:57:17
9,629 lượt xem
Nhằm tăng cường công tác bình đẳng giới, bảo vệ quyền, sức khỏe, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã và đang triển khai, nhân rộng nhiều mô hình, đề án, góp phần thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Ra mắt Câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu tại Trường Tiểu học và THCS Bình Minh (Kiến Xương). Ảnh tư liệu

Từ năm 2015, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” tại 6 xã thuộc hai huyện Tiền Hải và Vũ Thư với sự tham gia của các em học sinh đang theo học tại các trường THCS, THPT. Tham gia mô hình, các em được truyền thông, nói chuyện chuyên đề về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Mục tiêu của mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” là nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, giáo viên và học sinh các trường THCS, THPT. Từ đó, giúp các em học sinh có thái độ, hành vi đúng đắn, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và xã hội. Sau thời gian thực hiện thí điểm, mô hình được mở rộng ra các huyện, thành phố. Hiện 49 câu lạc bộ (CLB) các bạn gái tiêu biểu đã được thành lập tại 8 huyện, thành phố, với hơn 3.000 học sinh nữ tham gia, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. 

Em Trương Thu Hằng, chủ nhiệm CLB các bạn gái tiêu biểu Trường Tiểu học và THCS Bình Minh (Kiến Xương) cho biết: Tham gia sinh hoạt tại CLB, chúng em không những được cung cấp kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường mà còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao bổ ích. Qua đó, giúp chúng em có thêm nhiều kỹ năng và tự tin hơn trong cuộc sống.

Xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) tổ chức tuyên truyền và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản năm 2021.

“Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” là một trong những mô hình được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai thời gian qua giúp nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn triển khai nhiều mô hình, dự án khác như: mô hình “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” duy trì tại 165 xã với 165 CLB phụ nữ không sinh con thứ ba cùng giúp nhau phát triển kinh tế thuộc 8 huyện, thành phố; CLB tuyên truyền lồng ghép nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong các trường THCS tại 21 xã; đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển, giai đoạn 2015 - 2020... Từ những mô hình, đề án này đã có những tác động tích cực tới công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh, đặc biệt là việc bảo vệ quyền, chăm sóc sức khỏe, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2020, tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán sơ sinh đều đạt trên 95%. 100% trạm y tế các xã, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến cơ sở từng bước củng cố, đã cung cấp đầy đủ, kịp thời, thuận tiện các dịch vụ dân số - KHHGĐ cho nhân dân. Các phương tiện tránh thai được cấp miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản bảo đảm chất lượng qua kênh xã hội hóa và tiếp thị xã hội cho những người có khả năng chi trả nhằm giảm gánh nặng ngân sách của nhà nước. Nhận thức về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, giáo viên và học sinh ngày càng được nâng lên.

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt là thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ tỉnh duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình. Tích cực tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại, tư vấn trực tiếp cho người dân song song với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng phối hợp với Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số - KHHGĐ cho công nhân, tập trung vào các nữ công nhân. Hiện nay, việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại Thái Bình đang gặp không ít khó khăn khi chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 110,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Chính vì thế, việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án là những giải pháp tích cực góp phần thực hiện bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, qua đó giúp bảo vệ quyền, sức khỏe, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Thu Hoài 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày