Chủ nhật, 22/12/2024, 13:26[GMT+7]

Làm giàu từ tích tụ ruộng đất

Thứ 3, 23/11/2021 | 19:14:28
2,508 lượt xem
Từng là cựu quân nhân, sau khi xuất ngũ trở về địa phương và tham gia công tác hội cựu chiến binh, anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư đã mạnh dạn dựa vào đồng đất quê hương để phát triển kinh tế. Hiện nay, mô hình của anh Chuẩn là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương, không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn ở địa phương.

Mô hình của anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư đầu tư lò sấy thóc với công suất gần 10 tấn thóc/ngày.

Gia đình có cơ sở xay xát gạo nên từ lâu anh Ngô Văn Chuẩn coi cây lúa, hạt gạo là hướng đi phát triển kinh tế lâu dài của mình. Năm 2019, anh đã làm đơn gửi UBND xã Tân Phong xin được tích tụ ruộng đất và được HTX NN, UBND xã tận tình giúp đỡ. Sau đó, anh cùng cán bộ xã tham dự các buổi họp của thôn để vận động nhân dân cho thuê lại ruộng mà các hộ không cấy. 

Anh Chuẩn chia sẻ: Thời điểm đầu, tôi vất vả để vận động người dân cho thuê lại ruộng và thiếu nguồn vốn đầu tư máy móc để sản xuất. Phải mất gần nửa năm để tôi vận động hơn 150 hộ dân cho thuê lại ruộng, đến nay mô hình tích tụ của tôi đã mở rộng hơn 30ha, chủ yếu cấy giống lúa BC15 để sản xuất gạo thương phẩm. Tôi cũng rất cảm ơn các tổ chức đoàn thể trong xã đã tạo điều kiện giúp tôi vay vốn tín chấp của ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Với diện tích lớn nên anh Chuẩn phải đầu tư hệ thống mạ khay máy cấy, 1 máy gặt, 1 máy cày và nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 làm kho bảo quản với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng. Để chất lượng thóc được bảo đảm, anh Chuẩn đầu tư xây dựng 2 lò sấy thóc với công suất gần 10 tấn thóc/ngày. Với cách làm này, anh Chuẩn có thể bảo quản tốt cho hạt thóc sau mỗi vụ thu hoạch, đồng thời mở thêm dịch vụ sấy thóc để người dân đến sấy. Từ ngày gia đình anh Ngô Văn Chuẩn đưa lò sấy vào hoạt động, tình trạng người dân trong thôn phơi thóc ở đường đã hạn chế rất nhiều, bà con đến sấy tại nhà anh ngày một đông. Ưu điểm của việc sấy thóc là giúp hạt thóc bảo đảm về chất lượng, người nông dân tiết kiệm được thời gian, diện tích phơi thóc, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. 

Anh Chuẩn cho biết: Sấy thóc sau thu hoạch đã giúp chất lượng thóc của gia đình tôi được bảo quản tốt hơn, không bị ẩm mốc, cặn bẩn hay sỏi đá lẫn trong hạt thóc, từ đó được doanh nghiệp đặt mua nhiều hơn. Toàn bộ lượng thóc, gạo trong kho của gia đình tôi đã được các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua để phục vụ cho bếp ăn tập thể và chính việc bao trọn được mọi khâu từ gieo cấy đến tiêu thụ đã giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí, nguồn thu về lớn hơn. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình thu lãi 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và hơn chục lao động thời vụ với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Ngô Văn Chuẩn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. 

Về dự định trong tương lai, anh Chuẩn sẽ tiếp tục vận động nhân dân cho thuê thêm hơn 10ha, nâng tổng diện tích mô hình tích tụ của anh lên hơn 40ha ở  3 thôn là Ô Mễ 2, Ô Mễ 3 và Ô Mễ 4. Với những kinh nghiệm của bản thân trước đó, anh Chuẩn không ngại khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ người dân có nguyện vọng tham quan, học hỏi cách làm của mình.  

Ông Nguyễn Văn Nhuần, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Phong đánh giá: Với sức trẻ của mình, hội viên Ngô Văn Chuẩn sau khi được kết nạp vào tổ chức hội đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân để xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong công tác hội, anh Chuẩn là người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, thường xuyên tham gia hoạt động tình nghĩa, thăm hỏi hội viên ốm đau cũng như đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ vì người nghèo của xã. Anh đã được Hội CCB tỉnh tặng bằng khen trong thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày