Thứ 4, 15/01/2025, 17:27[GMT+7]

Nghị lực người lính Cụ Hồ

Thứ 3, 10/12/2024 | 10:47:51
10,385 lượt xem
Dù nhiễm chất độc da cam thế nhưng vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Tô Thị Vân, Nguyễn Khắc Oanh, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đã vượt lên số phận, quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Cựu chiến binh Tô Thị Vân luôn cố gắng giữ nghề làm mắm truyền thống của địa phương.

Tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1974 đến năm 1976 thì xuất ngũ trở về địa phương, vợ chồng CCB Tô Thị Vân, Nguyễn Khắc Oanh đều mang trong mình di chứng chất độc da cam. Hai đứa con đầu của ông bà khi sinh ra đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, đến khi 5 tuổi thì qua đời, điều kiện kinh tế gia đình vì thế hết sức khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Song với nghị lực của người lính Cụ Hồ, CCB Tô Thị Vân đã động viên chồng mở cơ sở chế biến mắm tôm, mắm tép, chả cá. 

Bà Vân cho biết: Cơ sở của gia đình thu hút đông khách hàng bởi vẫn giữ được cách chế biến theo phương thức truyền thống do các cụ truyền lại. Nếu như các gia đình làm mắm khác chỉ đợi đến khi tàu cập bến sẽ thu mua cho đủ số lượng tôm, cá thì tôi phải đi từng tàu, lựa những mẻ tôm, tép, cá tươi ngon mới thu mua. Nguyên liệu sau khi mua về sơ chế sạch sẽ, ngâm ủ, 3 tháng sau mới tiến hành lọc, phơi dưới nắng to rồi mới đem đi bán. Khi làm chả cá phải chọn những mẻ cá có vảy bóng, cá da trơn thì phải còn nhớt để bảo đảm đủ độ tươi của nguyên liệu đầu vào. Quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được độ thơm ngon nên khách hàng tìm đến mua rất đông, không chỉ phục vụ bà con trong xã, trong huyện mà còn xuất bán đi tỉnh ngoài. Mỗi năm cơ sở của gia đình sản xuất từ 1.500 - 2.000 lít nước mắm, 3 tấn chả cá các loại, sau khi trừ chi phí thu về từ 200 - 230 triệu đồng. 

CCB Nguyễn Khắc Oanh cho biết thêm: Dù bản thân tôi là thương binh, nhiễm chất độc da cam thế nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau phải quyết tâm thoát nghèo, không thể vì hoàn cảnh mà cứ dựa vào trợ cấp cho người có công để sinh sống. Vợ chồng tôi tích cực tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể, đóng góp cho các hoạt động, phong trào của địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, vợ chồng tôi đã ủng hộ thêm kinh phí, tham gia cùng Chi hội CCB thôn Quang Thịnh vận động 43 gia đình hiến đất, mở rộng tuyến đường thôn từ 2,5m lên 5m, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. 

Ông Trần Tiến Chinh, Chủ tịch Hội CCB xã Nam Thịnh cho biết: Người dân Nam Thịnh chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy sản. Hội CCB xã đã phối hợp với HTX Nuôi trồng thủy sản xã Nam Thịnh, Chi cục Thủy sản tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, động viên CCB mở rộng, phát triển nghề truyền thống của địa phương để tăng thu nhập. Toàn Hội có trên 60% hội viên khá, giàu, tỷ lệ hội viên nghèo còn dưới 0,2%. CCB Tô Thị Vân và CCB Nguyễn Khắc Oanh là hai hội viên rất gương mẫu, trước kia do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nhận trợ cấp nhưng gần 20 năm trở lại đây anh chị đã vươn lên trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền được Hội CCB huyện, Hội CCB xã khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực cho các hoạt động, phong trào của địa phương. 


Tiến Đạt 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày