Thứ 5, 21/11/2024, 16:49[GMT+7]

Vươn lên từ vùng đất trũng

Thứ 2, 19/07/2021 | 09:08:49
3,927 lượt xem
Mặc dù đã sắp bước vào tuổi “thất thập” song phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cùng tinh thần gương mẫu của đảng viên, cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Tộ, tổ dân phố Nghĩa Chỉ, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã mạnh dạn tích tụ 1ha đất nông nghiệp để xây dựng mô hình VAC, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.

Mỗi năm gia đình ông Trần Đình Tộ thu về hơn 90 triệu đồng từ cây thanh long ruột tím.

Trang trại của gia đình CCB Trần Đình Tộ nằm biệt lập, cách xa khu dân cư. Khu vực này trước đây là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả nên nhiều hộ bỏ hoang không cấy, cỏ mọc um tùm. Trước ông Tộ, nhiều người đã ra đây thầu lại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi song không hiệu quả nên bỏ cuộc. Khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Tộ đã mạnh dạn dồn đổi hết đất nông nghiệp của gia đình ra khu vực này, đồng thời mua thêm đất của một số hộ xung quanh bỏ hoang không cấy lúa để xây dựng trang trại. Ông tâm sự: Ở tuổi tôi, nhiều người chọn cuộc sống an nhàn bên con cháu, nhưng tôi nghĩ mình là đảng viên, còn sức khỏe, có điều kiện thì nên tiếp tục nỗ lực, cố gắng để làm gương cho thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên.

Bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất trũng, ông Tộ cùng vợ chuyển hẳn ra sống trong căn nhà nhỏ dựng tạm để tiện cho công việc hàng ngày. Không quản ngại mưa nắng, hai mái đầu bạc ngày ngày cần mẫn cuốc xới, cải tạo mảnh đất bạc màu thành trang trại với các vùng nuôi, trồng chuyên biệt. Trên diện tích 1ha, ông Tộ dành 40% để đào ao nuôi cá, phần còn lại ông cải tạo thành vườn trồng các loại cây ăn quả như mít, thanh long ruột tím đồng thời xây dựng khu chuồng nuôi bò, vịt đẻ. Sở dĩ ông chọn trồng thanh long ruột tím vì loại cây này dễ trồng, không kén đất; so với thanh long ruột đỏ, ruột trắng, thanh long ruột tím kháng sâu bệnh tốt hơn. Ngoài ra, thanh long ruột tím hợp với khí hậu miền Bắc hơn, giá thành cũng cao hơn các loại thanh long khác. Hiện tại, gia đình ông có hơn 100 trụ thanh long ruột tím, hàng năm cho thu hoạch từ cuối tháng 4 đến hết tháng 10 với sản lượng trên 3 tấn, thu về hơn 90 triệu đồng mỗi năm.

Cùng với thanh long ruột tím, loại cây chiếm số lượng lớn trong trang trại của ông Tộ hiện nay là mít dai cổ với trên 200 gốc. Chỉ tính riêng nguồn thu từ mít, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. 

Ông Tộ cho biết: Tôi và vợ là lao động chính ở đây, đều đã cao tuổi nên tôi lựa chọn những loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra tôi còn xây dựng hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm sức lao động. Trái cây sau khi thu hoạch đều được thương lái đến thu mua, không phải mang ra chợ bán do gia đình tôi trồng theo hướng nông nghiệp sạch, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được mọi người ưa chuộng. Ngoài trồng cây, tôi còn nuôi 20 con bò, nuôi cá và vịt đẻ. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng.

Theo ông Đào Trọng Điển, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Diêm Điền: Mô hình tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế của gia đình CCB Trần Đình Tộ là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của địa phương, rất cần được nhân rộng nhằm thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang hiện nay. Từ mô hình của gia đình CCB Trần Đình Tộ, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đến tham quan, học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, nắm bắt khoa học kỹ thuật để đầu tư xây dựng các mô hình nuôi, trồng phù hợp, vươn lên làm giàu chính đáng.

Với trên 200 gốc mít, mỗi năm gia đình ông Trần Đình Tộ thu về hơn 100 triệu đồng. 

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày