Thứ 5, 21/11/2024, 16:38[GMT+7]

Những người “làm dâu trăm họ” ngành y

Thứ 6, 30/06/2023 | 10:09:15
6,664 lượt xem
Làm việc với cường độ cao, tiếp xúc với đa dạng bệnh nhân, có khi phải chăm sóc toàn diện hay thức trắng đêm theo dõi các chỉ số sinh tồn, song vượt lên tất cả khó khăn, những người điều dưỡng vẫn luôn tận tâm chăm sóc, động viên giúp người bệnh vượt lên nỗi đau bệnh tật. Họ được ví vui là những người “làm dâu trăm họ”.

Điều dưỡng Trương Thanh Tùng phát thuốc cho bệnh nhân.

Cũng như mọi ngày, từ sáng sớm, điều dưỡng trưởng Khoa Nam Trương Thanh Tùng, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã có mặt tại các buồng bệnh, gọi bệnh nhân dậy đánh răng, rửa mặt, tập thể dục, ăn sáng, cho uống thuốc hoặc tiêm truyền theo từng mặt bệnh. Ở Khoa Nam hiện có gần 90 bệnh nhân. Mỗi người mỗi độ tuổi và tình trạng bệnh lý khác nhau. Người nặng thì rối loạn tâm thần kèm theo cả bệnh nền, có người lại nghiện rượu, ma túy, người nhẹ thì rối loạn cảm xúc, hay lo lắng, bồn chồn, mất ngủ… Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, bệnh nhân rối loạn tâm thần, nhận thức hạn chế lại khó gấp bội phần. Thế nhưng, với tình cảm, lòng yêu nghề, điều dưỡng Tùng vẫn luôn ân cần, tỉ mỉ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt của mình.

Điều dưỡng Trương Thanh Tùng chia sẻ: Trước đây, mẹ tôi là bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Từ bé thường xuyên ở trong Bệnh viện nên tôi rất thấu hiểu và cảm thông với những người không may mắc bệnh phải vào đây điều trị. Hàng ngày, điều dưỡng chúng tôi phải giúp người bệnh tắm gội, vệ sinh cá nhân, có lúc còn phải cho họ ăn; nhẹ nhàng khuyên bảo, kiểm tra việc uống thuốc, phối hợp cùng bác sĩ để điều trị; rà soát các phòng để kiểm tra xem có dao, vật sắc nhọn, bình sành, thủy tinh, nước nóng… tránh để bệnh nhân tự gây thương tích cho mình và người khác. Lúc bình thường không sao nhưng khi họ phát bệnh thì rất mệt. Không chỉ chống đối không ăn, uống, bệnh nhân còn đánh cả bác sĩ, nhân viên y tế. Bản thân tôi cũng đã bị đánh nhiều lần. Có lần bệnh nhân trốn Bệnh viện, chúng tôi mất rất nhiều thời gian đi tìm.

Chăm sóc ban ngày đã mệt nhưng các điều dưỡng của Bệnh viện còn phải trực, “canh gác” bệnh  nhân cả ban đêm. Cứ 2 giờ/lần, các điều dưỡng lại thay nhau đi đến từng buồng bệnh, kiểm tra số lượng bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, phát hiện kịp thời nếu bệnh nhân bị hôn mê… Dù biết công việc của mình rất vất vả do bệnh nhân phần lớn bị rối loạn tâm thần, nhận thức giảm phải chăm sóc toàn diện song điều dưỡng Tùng cùng các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện chưa lúc nào nhụt chí, họ vẫn luôn yêu mến công việc của mình. 

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thành, xã Minh Lãng (Vũ Thư) chia sẻ: Trước kia tôi không ngủ được, đêm cứ dậy thắp hương, có khi đốt hết cả nắm hương rồi nói lẩm bẩm. Thế nhưng, từ ngày vào đây, các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị chu đáo như người thân, tình trạng bệnh của tôi đã ổn hơn. Giờ tôi ăn ngủ tốt.

Điều dưỡng trưởng Khoa Nam Trương Thanh Tùng giúp người bệnh vệ sinh cá nhân.

Ngoài chuyên khoa đặc thù là chăm sóc bệnh nhân tâm thần, công việc của những điều dưỡng làm ở khoa cấp cứu, hồi sức tích cực… cũng rất vất vả. Bởi đây là những bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày. Những điều dưỡng ở đây phải thường xuyên theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của người bệnh. Khi người bệnh có diễn biến bất thường sẽ thông báo ngay cho bác sĩ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân nặng thường không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Điều dưỡng viên phải chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, luôn bên cạnh người bệnh an ủi, động viên, chia sẻ nỗi đau và giúp họ có thêm tinh thần, động lực vượt qua bệnh tật. Có mắt thấy, tai nghe mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn và đầy áp lực của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. 

Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Đoàn Thị Thanh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: 17 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong Khoa đã trải qua rất nhiều áp lực, vất vả. Bởi đây là khoa “đầu sóng ngọn gió” phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh ở ranh giới sinh tử. Có lúc người thân của người bệnh chưa thấu hiểu, bức xúc còn to tiếng, quát mắng. Để đáp ứng với nhiệm vụ, mỗi cán bộ trong khoa có 2 - 3 ngày trực/tuần, 1 ngày trực xuyên suốt 24 giờ. Ngày cao điểm dịp nghỉ lễ, tết, lượng bệnh nhân đông, áp lực với chúng tôi càng lớn. Có buổi trực trong bệnh viện, thiết bị công nghệ đã đo 1 điều đưỡng đi được hơn 20.000 bước chân. Khó khăn, vất vả khó có thể kể hết song đứng trước người bệnh, chúng tôi biết mình phải vượt lên trên hết để nhanh chóng cứu sống, giúp họ vượt qua nguy kịch.

Chiếm số đông trong nhân lực ngành y tế, điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với người bệnh. Họ phải trải qua nhiều áp lực, vất vả; thế nhưng bằng lương tâm và trách nhiệm, coi người bệnh như người thân, tận tụy, dốc sức chăm sóc, rất nhiều điều đưỡng đã để lại hình ảnh đẹp với người bệnh và người nhà bệnh nhân, góp phần tôn vinh thêm vẻ đẹp “lương y như từ mẫu”.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày