Thứ 3, 23/07/2024, 18:25[GMT+7]

Vũ Thư: Khai thác tiềm năng phát triển thủy sản nước ngọt

Thứ 3, 25/01/2022 | 08:16:56
1,287 lượt xem
Là huyện nội đồng, có diện tích sông ngòi, ao, hồ, đồng ruộng trũng khá lớn, những năm gần đây, huyện Vũ Thư tận dụng lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế của huyện.

Mô hình nuôi cá truyền thống tại ao bán nổi cho hiệu quả kinh tế cao.

Được xã, thôn khuyến khích, năm 2010 gia đình ông Đồng Minh Cương, thôn 10, xã Vũ Đoài chuyển đổi 2,5 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao, chuyên ương nuôi, cung cấp các loại cá giống ở giai đoạn cá hương. Với các giống cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi, chép vàng, giá bán đạt từ 300.000 - 500.000 đồng/kg cá hương. Mỗi năm, gia đình ông Cương xuất ra thị trường 3 - 4 tấn cá giống, trừ chi phí đầu tư thu về gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 8 lao động. Không riêng gia đình ông Cương, thôn 10, xã Vũ Đoài có 90% số hộ nuôi cá giống (giai đoạn cá có trọng lượng 100 - 300gram/con), trong đó có 20 hộ nuôi cá giống quy mô từ 5.000 - 20.000m2 ao/hộ. 

Ông Vũ Văn Bốn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 10 cho biết: Tất cả diện tích mặt nước như ao, hồ truyền thống, ruộng trũng được cải tạo thành ao... đều được người dân địa phương tận dụng triệt để nuôi cá giống. Khi nắm bắt được kỹ thuật, ổn định các khâu sản xuất, nuôi cá giống nhàn hơn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.

Cánh đồng giáp sông Lang, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa nhiều năm trước cấy lúa kém hiệu quả, xen kẽ có hộ bỏ ruộng hoang. 3 năm trước, gia đình anh Đỗ Duy Đông, 1 hộ dân trong thôn mạnh dạn tích tụ 2ha ruộng để đầu tư quy hoạch thiết kế ao bán nổi để nuôi cá thịt truyền thống. 

Anh Đông chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư kinh phí bê tông hóa toàn bộ xung quanh bờ ao, cùng với áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nuôi cá trên ao bán nổi cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt mặt bằng ruộng không bị phá vỡ. Với sản lượng thu hoạch 14 tấn cá/năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Lại Quang Dũng, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa hiện nuôi 30 lồng cá trên sông Trà Lý với nhiều loại cá như cá lăng, cá tra, cá hô, cá trắm, cá chép. Anh Dũng cho biết, với 30 lồng cá, tổng diện tích mặt sông chỉ cần gần 800m2, tuy nhiên nhờ tận dụng những ưu đãi đặc biệt như mực nước sâu, dòng chảy ổn định, nồng độ oxy trong nước cao để nuôi cá, dòng sông Trà Lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi. Ngoài cung cấp cá thịt để chế biến hàng chục tấn chả cá, giò cá, mỗi năm gia đình anh Dũng xuất ra thị trường gần 10 tấn cá thương phẩm.    

Mô hình nuôi cá truyền thống tại ao bán nổi của gia đình anh Phạm Mạnh Hùng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Vũ Thư hiện có 1.505ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu diện tích ao, hồ truyền thống và diện tích ao đầm chuyển đổi từ ruộng trũng. Ngoài ra, huyện có 115 lồng cá trên sông. Đến nay, Vũ Thư có gần 2.000 hộ phát triển các mô hình thủy sản nước ngọt, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống; một số địa phương nuôi ốc nhồi, ba ba. Những năm gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại trong chăn nuôi thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá trên ao bán nổi của gia đình anh Hòa, anh Đông (Tân Hòa), anh Hùng (Vũ Đoài), anh Thành (Tân Phong)... Nhiều hộ mạnh dạn tiếp thu, mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông, toàn huyện tăng 37 lồng cá so với năm 2019. Sản lượng thủy sản bình quân trên địa bàn huyện thu được là 7,9 tấn/lồng cá/năm ở các mô hình nuôi cá lồng trên sông, 34 tấn cá/ha/năm ở các mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, 5 - 6 tấn cá/ha/năm ở các mô hình ao, đầm truyền thống.

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Nhằm khai thác tối đa tiềm năng và đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển thủy sản. Các đơn vị chuyên môn, đoàn thể thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt, vận động, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ cao, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nuôi cá theo quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, sản xuất gắn với chế biến để phát triển thủy sản. Vận động các hộ phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển thủy sản theo hướng bền vững.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày