Chủ nhật, 05/05/2024, 04:10[GMT+7]

Những “bông hồng” làm kinh tế giỏi

Thứ 3, 08/03/2022 | 09:10:43
3,902 lượt xem
Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, trên địa bàn huyện Đông Hưng đã xuất hiện nhiều gương hội viên, phụ nữ tiêu biểu. Họ là những “bông hồng” đẹp, điển hình về tinh thần chịu thương chịu khó, sáng tạo, quyết đoán đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tận dụng những ngày nắng, chị Đặng Thị Thơ, xã Minh Phú phơi sản phẩm đan từ bèo tây thay vì sấy để giảm tiền điện.

“Đan” giấc mơ sinh kế 

Từ nguồn nguyên liệu tưởng như bỏ đi, sống đầy ao, hồ là cây bèo tây, chị Đặng Thị Thơ, xã Minh Phú đã sử dụng để đan thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, độc đáo, giá trị, thân thiện với môi trường, xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản. Chị Thơ cho biết: Nghề đan bèo tây dễ học, dễ làm, lại nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, ai cũng có thể tranh thủ làm được, người nào làm nhiều sản phẩm thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, người làm ít cũng được khoảng 2 triệu đồng/tháng trở lên. Hiện nghề đan bèo tây của chị Thơ đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông nhàn trong và ngoài xã. Chị Thơ cung cấp nguyên liệu cho 12 đầu mối nhận hàng, chị em sẽ đến đó nhận về nhà đan, chị chỉ nhận lại sản phẩm đã hoàn thành. Tại nhà chị Thơ có 10 lao động làm các công đoạn: vệ sinh, chỉnh sửa sản phẩm cho đẹp, dính keo, phơi hoặc sấy, đóng thùng để xuất đi. Mỗi năm chị Thơ xuất khẩu 72 công hàng với hàng triệu sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. 

Làm việc có tâm để nâng tầm giá trị 

Đang làm ở một công ty may có tiếng nhưng chị Phạm Thị Thanh Xuân, thôn Quang Trung, xã Đông Xuân vẫn quyết định nghỉ việc, gom vốn đầu tư mở xưởng phát triển nghề may. Với sự năng động, nhanh nhạy, chỉ trong một thời gian ngắn chị đã tìm được mối đặt hàng ổn định may quần áo xuất khẩu sang Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc. Chị Xuân cho biết: Lúc mới mở xưởng chỉ có 5 chị em, sau các chị em thấy công việc nhàn, ổn định nên xin vào làm. Đa phần chị em muốn may hàng tại nhà nên tôi đầu tư máy đặt tại nhà các chị để các chị vừa may vừa tranh thủ trông con nhỏ, làm việc nhà... Một số công đoạn nhẹ nhàng, không cần kỹ thuật tôi vẫn nhận chị em có tuổi vào làm để mọi người có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người nào chưa biết việc, tôi trực tiếp hướng dẫn, dạy đến khi họ sử dụng thành thạo máy may, tự may hoàn thiện được sản phẩm không mất phí học nghề. Hiện tại xưởng của chị Xuân có 26 máy may, chị còn đầu tư hàng chục máy may đặt tại nhà những chị không có điều kiện đến xưởng. Dù làm việc tranh thủ kết hợp với việc nhà song mỗi tháng chị em cũng có thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người. Không chỉ góp phần đưa nghề về quê, chị Xuân còn tích cực giúp đỡ những chị em khác và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, trong xã để cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tạo điều kiện cho trẻ được đến trường. Phương châm sống của chị Xuân rất đơn giản “làm việc có tâm để nâng tầm giá trị”, vì thế trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì xưởng may của chị Xuân vẫn hoạt động bình thường, đơn hàng đều đặn. Trung bình mỗi tháng chị Xuân xuất 4.800 sản phẩm, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. 

Mỗi vụ chị Trần Thị Mỵ, xã Lô Giang thu trên 10 tấn hồng xiêm nhót.

Bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc thù địa phương 

Xã Lô Giang nổi tiếng với những cây hồng xiêm nhót có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm. Để góp phần bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc thù này của địa phương, cũng là để làm giàu cho gia đình, chị Trần Thị Mỵ, thôn Hoàng Nông đã chuyển đổi 1,2 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả và vườn tạp của gia đình trồng trên 150 cây hồng xiêm nhót. Hồng xiêm trong vườn của chị có tuổi đời từ 25 - 70 năm. Trồng hồng xiêm đã nhiều năm, chị Mỵ tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc để cây sai hoa, sai quả và cho thu hoạch từ tháng 12 năm trước tới tháng 7 năm sau. Chị Mỵ chia sẻ: Với cây hồng xiêm, sau khi trồng cây to đến đâu vun gốc đến đấy, thường xuyên bấm bỏ ngọn để cây ra nhiều cành, sau thu hoạch quả cắt tỉa cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh... đồng thời bón phân tổng hợp cho cây, theo dõi diệt ruồi hại quả và sâu tiện vỏ cho cây. Mỗi vụ chị Mỵ thu được trên 10 tấn hồng xiêm, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá bán có giảm song đến giờ chị đã bán được trên 70 triệu đồng. Chị Mỵ còn tích tụ 1,7 mẫu ruộng cấy các giống lúa chất lượng. Mỗi năm chị bán thóc được 50 triệu đồng. Ngoài ra chị cũng tích cực phát triển chăn nuôi ngan, gà, cá. Vất vả sớm tối song bù lại mỗi năm sau khi trừ chi phí chị Mỵ thu được 120 - 150 triệu đồng, trở thành điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện. 

Chị Bùi Thị Ngọc Thùy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng cho biết: Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình; phối hợp với ngân hàng cho gần 9.000 chị em vay vốn với số dư đến nay gần 528 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh; mở 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho chị em. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, du nhập nghề về địa phương... tạo việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chị em về giống, vốn, kiến thức, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn vận động chị em giúp nhau cùng làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc; kịp thời phát hiện, giúp chị em biến ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp mới thành hiện thực.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày