Thứ 6, 22/11/2024, 05:00[GMT+7]

Loại cây mang tên rất xấu nhưng giá trị chữa bệnh lại cực tốt

Thứ 2, 13/06/2022 | 08:12:47
15,592 lượt xem
Cây cứt lợn còn có tên là cây cỏ hôi, cây bù xít, thắng hồng kế, cũng có nơi gọi là cây hoa ngũ sắc.

Cây cứt lợn mọc hoang ở khắp nơi và loại cây này thích nghi với tất cả mọi loại đất trồng, bờ ruộng, hay trong vườn nhà, thậm chí cây có thể mọc ở trên vệ đường. Thân cây có màu xanh hoặc màu tím và phủ một lớp lông màu trắng ở bên ngoài. Lá cây cứt lợn thường mọc đối xứng với nhau, có cuống ngắn, hai bên mép lá cây cứt lợn có hình răng cưa tròn, mặt trên và mặt dưới của lá hoa cứt lợn đều có lông. Khi vò lá ra, đưa lên mũi ngửi thấy có mùi hắc. Hoa cứt lợn thường mọc thành từng chùm ở đầu ngọn và thường có hoa màu tím hoặc màu trắng. Cây cứt lợn mọc quanh năm nên mùa nào cũng sẵn có để dùng.

1. Theo các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy thành phần hợp chất trong cây cứt lợn có những tác dụng như:

- Ức chế một số loại vi khuẩn bao gồm những trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng hoặc trực trùng...

- Khi tiến hành nghiên cứu trực tiếp trên động vật cho thấy cây cứt lợn có tác dụng chống viêm, chống phù nề và chống cả dị ứng.

- Sử dụng cây cứt lợn ở dạng nồng độ thấp có tác dụng làm giãn mạch ngoại biên. Bên cạnh đó, cây cứt lợn cũng có thể làm loãng dịch đờm hoặc tăng dẫn lưu dịch để dịch được tống ra khỏi hốc xoang, cải thiện được tình trạng khó thở hoặc thở khò khè hoặc nghẹt mũi, khó chịu về đường thở.

- Cây cứt lợn còn giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng các tế bào nhờ vào hàm lượng chất xơ và protein dồi dào của loài cây này.

2. Theo đông y, cây cứt lợn có vị đắng, tính mát, mùi hắc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng, sát trùng, chống viêm phù nề, cầm máu. Cây cứt lợn được sử dụng nhiều để điều trị các chứng bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính hoặc viêm mũi dị ứng... Trong trường hợp bị bệnh viêm mũi mãn tính kéo dài thì hoạt chất trong cây cứt lợn giúp giảm được tình trạng ngạt mũi, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi, nhức đầu và sổ mũi... Hơn nữa hợp chất trong cây cứt lợn có tác dụng giúp giảm viêm mũi có tình trạng mủ đặc, nhưng không có tác dụng phụ đối với người bệnh. Ngoài ra cây cứt lợn còn được sử dụng để điều trị tình trạng rong huyết ở phụ nữ sau sinh.

3. Một số bài thuốc sử dụng cây cứt lợn
a) Làm giảm các triệu chứng của viêm xoang, ho, hắt hơi, sổ mũi:
Lấy 30 - 40 gam lá và hoa cứt lợn tươi, (hoặc 20 - 30 gam cây cứt lợn khô), sau đó mang rửa thật sạch,  rồi cho vào ấm đổ 1 bát nước, đem sắc kỹ khi còn lại nửa bát, chia làm 3 bữa, uống ấm trước khi ăn. Dùng mỗi đợt từ 5 - 7 ngày, thấy hết triệu chứng, có thể dùng thêm một vài ngày nữa rồi dừng.

b) Điều trị viêm xoang mãn tính:
Lấy một nắm lá và hoa cứt lợn tươi, rửa sạch, tráng qua nước muối để ráo nước. Tiếp đến mang lá hoa cứt lợn đi giã nát lấy nước cốt. Dùng nước cốt đó nhỏ vào mũi mỗi lần từ 2 - 3 giọt, mỗi ngày nhỏ mũi khoảng từ 4 - 5 lần. Lưu ý, dung dịch nước cốt cây cứt lợn khi nhỏ vào mũi cảm thấy rất xót, nhưng sau thấy dễ chịu dần. Một đợt điều trị kéo dài từ 1 - 3 tuần liên tục, nếu thấy triệu chứng giảm dần thì chỉ cần nhỏ mũi ngày 2 - 3 lần, kết hợp với uống nước sắc lá cây cứt lợn.

c) Xông hơi chữa viêm xoang:
Lấy một nắm cây hoa cứt lợn tươi, rửa sạch rồi cho vào nồi nước, đem đun sôi kỹ. Sau đó lấy khăn trùm kín đầu và thực hiện xông đầu và mặt khoảng 15 phút. Trong khi xông nên hít thở từ từ thật sâu để có thể đưa tinh dầu của cây cứt lợn vào sâu vào các hốc xoang giúp tiêu diệt ổ viêm và làm thông tắc nghẽn, giảm ho.

d) Chữa rong kinh:
Lấy một nắm (50 gam) lá và hoa cây cứt lợn tươi, rửa sạch giã nát cho thêm vào một ít nước ấm, vắt lấy nước uống vào buổi sáng, sau bữa ăn sáng. Ngày uống 1 lần và uống liên tục trong 4 ngày sẽ rất hiệu quả.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày