Thứ 2, 25/11/2024, 14:42[GMT+7]

Hành tây: Món ăn ngon - vị thuốc quý

Thứ 2, 18/07/2022 | 07:16:16
1,248 lượt xem
Nhiều người thích ăn hành tây nhưng có thể chưa biết hành tây không những chỉ là thực phẩm ngon bổ mà nó còn là vị thuốc quý. Theo đông y, hành tây có vị cay, tính ấm. Tác dụng giải biểu, kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực, sát trùng, lợi tiểu tiện. Chữa các chứng cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, đầy bụng chậm tiêu, nhiễm khuẩn đường ruột, tiểu tiện bất lợi, phong thấp nhức mỏi và nhiều bệnh khác...

Ảnh minh họa.

Thành phần dinh dưỡng của hành tây

Cứ 100 gam hành tây có chứa: Năng lượng 40Kcal, Carbohydrate 9,34g, chất đạm 1,10g, chất xơ 1,7g, tổng số chất béo 0,10g, Axit Pantothenic 0,125mg, Thiamin 0,046mg, Vitamin C 7,4mg, Vitamin A 2 IU, Vitamin E 0,02mg, Natri 4mg, Kali 146mg, Canxi 23mg, Mangan 0,125mg, Photpho 29mg, Kẽm 0,17mg.

Công dụng của hành tây đối với sức khỏe con người

Trên thực tế, tác dụng của hành tây đối với sức khỏe đã được công nhận từ thời cổ đại. Trong các nghiên cứu hiện đại, hành tây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như sau:

1. Chống ung thư

Trong một số nghiên cứu khoa học cho thấy hành tây có thể tiêu diệt các tế bào ung thư vú và ung thư dạ dày, ruột. Điều này là do hành có chứa hàm lượng Quercetin và Anthocyanin cao. Đây là hợp chất có thể kích thích các tế bào ung thư tự diệt, thu hẹp môi trường sinh sống và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.

2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Hành tây giàu Organosulfurs và các Flavonoid có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và tăng cường sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, hành tây cũng có chứa Thiosulfin, giúp làm loãng máu tự nhiên, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Quercetin có trong hành tây cũng có thể cung cấp khả năng chống oxy hóa, chống viêm, cải thiện nồng độ Cholesterol, tăng cường sức khỏe của tim và chống lại bệnh tim.

3. Ổn định lượng đường trong máu

Lưu huỳnh (S-methylcystein) và Quercetin có trong hành tây có thể làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hành tây chỉ cho tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường khi sử dụng kèm với Metformin (một loại thuốc tiểu đường). Ngoài ra, Polyphenol có trong hành cũng hỗ trợ kiểm soát đường huyết.

4. Tăng cường sức khỏe não bộ

Các chất chống oxy hóa trong hành tây có thể liên kết với các chất độc hại trong não và đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Các hợp chất của lưu huỳnh cũng có thể làm chậm quá trình mất trí nhớ do lão hóa và cải thiện tình trạng thường hay chóng mặt, đau nửa đầu. Tuy nhiên, một phần công dụng của hành tây có thể bị mất khi nấu chín. Do đó, hãy cố gắng ăn hành sống để cải thiện sức khỏe não bộ.

5. Hỗ trợ hệ thống tiêu hóa

Hành tây có chứa một loại chất xơ, chất này hoạt động để bảo vệ các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Do đó, tiêu thụ chất xơ này thường xuyên có thể duy trì nồng độ vi khuẩn có lợi, hạn chế tiêu chảy, khó tiêu và các bệnh lý tiêu hóa khác. Ngoài ra, hành tây cũng được cho là có thể chống táo bón, điều trị đau dạ dày, tẩy giun tự nhiên và hỗ trợ cải thiện tình trạng đầy hơi.

6. Duy trì sức khỏe xương khớp

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng hành tây thường xuyên giúp bảo vệ xương khỏe mạnh, có thể ngăn ngừa nguy cơ loãng xương do thoái hóa lão hóa. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng hành tây có thể làm giảm nguy cơ mất xương tự nhiên. Bên cạnh đó, những người thường xuyên ăn hành tây sẽ có khối lượng xương cao hơn 5% so với người khác. Thường xuyên ăn hành tây cũng được cho là có lợi cho xương khớp ở phụ nữ trên 50 tuổi. Ăn hành tây có thể góp phần ức chế viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và hỗ trợ điều trị bệnh đau khớp.

7. Chống viêm và dị ứng, tốt cho da

Quercetin và các Flavonoid khác trong hành tây có thể giúp ngừa viêm và ngăn chặn việc giải phóng Histamine. Ăn hành tây có thể giúp bạn thoát khỏi các cơn nghẹt mũi, khó thở do viêm xoang. Ngoài ra, nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, chiết xuất hành tây có thể chống lại sâu răng, làm vết thương nhanh lành và chống lại các vấn đề dị ứng khác trong cơ thể.

Hành tây chứa nhiều Vitamin A, E và C, có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe và bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của các gốc tự do. Cụ thể, công dụng của hành tây đối với da như sau: Hỗ trợ làm sáng da, hạn chế nám, tàn nhang, mềm da và căng mịn da chống nhăn.

8. Chống oxy hóa

Hành tây là một nguồn chứa các chất chống oxy hóa khá cao. Trên thực tế, hành chứa hơn 25 chất Flavonoid khác nhau có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng hành tây thường xuyên có thể ức chế quá trình oxy hóa, hạn chế tổn thương các tế bào, ngăn ngừa ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường.

9.  Giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ

Hành tây có chứa Prebiotic có thể giảm căng thẳng, chống trầm cảm và cải thiện giấc ngủ. Khi các vi khuẩn có lợi tiêu thụ Prebiotic sẽ cải thiện sức khỏe đường ruột và giải phóng các sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất. Điều này có thể tránh các chất, sản phẩm phụ trong hệ tiêu hóa gây ảnh hưởng đến chức năng não và giấc ngủ.

10. Cải thiện sức khỏe tình dục

Theo một số nghiên cứu cho kết quả dùng nước ép hành tây có thể làm tăng nồng độ Testosterone ở nam giới một cách tự nhiên. Hành tây là một loại thảo dược có thể kiểm soát chức năng tình dục, điều trị bất lực và rối loạn cương dương. Ngoài ra, uống nước ép hành tây với mật ong cũng có thể hạn chế việc xuất tinh sớm và tăng chức năng sinh sản ở nam giới.

Một số lưu ý khi sử dụng hành tây

Thường xuyên sử dụng hành tây có thể mang lại một số tác dụng phụ cho cơ thể. Cụ thể bao gồm:

- Làm giảm lượng đường trong máu, vì vậy người bệnh tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để tránh hiện tượng hạ đường huyết.

- Kích thích dạ dày, gây nôn mửa và nóng rát ở dạ dày, do ăn quá nhiều hành tây sống.

- Kích ứng da khi thoa lên da để điều trị mẩn ngứa, mụn. Do đó, hãy thử độ dị ứng trên một vùng da nhỏ trước khi áp dụng lên vùng da lớn.

- Gây ợ nóng không kiểm soát được khi sử dụng quá nhiều hành. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng xấu ở bệnh nhân bệnh tim.

- Hôi miệng do hàm lượng lưu huỳnh trong hành tây cao.

- Làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương. Vì vậy, người dùng thuốc điều trị huyết áp không nên ăn quá nhiều hành tây.

- Chống đông máu, làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu khi bị thương.

Liều lượng dùng và cách dùng

- Mặc dù hành tây có nhiều tác dụng cho sức khỏe, tuy nhiên chúng ta cũng không nên dùng quá nhiều trong ngày. Theo đông y và các nhà dinh dưỡng học khuyên bình thường mỗi ngày chỉ nên dùng 1/2 củ hành tây loại vừa (tương đương với lượng ăn 100g hành tây mỗi ngày).

Nếu hành tây xào chín có thể ăn nhiều hơn, ăn sống thì nên ăn ít hơn.

- Có thể xào, nấu, ăn sống hoặc ép lấy nước để dùng.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày