Thứ 3, 23/07/2024, 15:16[GMT+7]

Dấu ấn tín dụng chính sách ở Tiền Hải

Thứ 2, 18/07/2022 | 08:31:02
1,016 lượt xem
Nhìn lại quá trình hoạt động 20 năm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tiền Hải có thể khẳng định, việc thành lập Ngân hàng CSXH để thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tiền Hải chỉ còn 2,38%, giảm so với năm 2003 là 10,62%.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Vũ Lăng (Tiền Hải).

Được thành lập từ năm 2020, chuyên may gia công áo trần bông, từ số lao động ban đầu 10 người, đến nay cơ sở may My Quân (thôn Lợi Thành, xã Đông Quý) đã tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Đinh Thị My, chủ cơ sở tâm sự: Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của cơ sở bởi nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm hơn, không nhập được hàng. Trong khó khăn đó, rất may mắn khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP và gia đình tôi đã được bình xét cho vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiền Hải. Với nguồn vốn vay đó đã giúp cơ sở đầu tư thêm về nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó đi vào hoạt động ổn định và giúp công nhân có thu nhập ổn định hàng tháng.

Gia đình chị Đinh Thị My, thôn Lợi Thành, xã Đông Quý (Tiền Hải) phát triển cơ sở may My Quân từ vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH.

Còn đối với cơ sở mầm non tư thục Sao Mai (tổ dân phố số 3, thị trấn Tiền Hải), nhờ có 80 triệu đồng vay từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cơ sở đã có điều kiện mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19. Chị Phan Thị Hà, chủ cơ sở cho biết: Trong quá trình làm thủ tục vay vốn, cán bộ ngân hàng luôn hướng dẫn rất nhiệt tình nên việc giải ngân được thực hiện rất nhanh chóng.

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đến nay trên địa bàn huyện Tiền Hải đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư cho vay ở 100% xã, thị trấn, không có xã trắng tín dụng chính sách. Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của Phòng giao dịch đạt hơn 518 tỷ đồng, tăng gấp 14,11 lần so với thời điểm 31/12/2003; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 517 tỷ đồng với 14.640 khách hàng vay vốn, tăng gấp 15,09 lần so với thời điểm 31/12/2003. Với phương châm tăng trưởng dư nợ phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn tín dụng ưu đãi, trong 20 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiền Hải tích cực phối hợp với đoàn thể các cấp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả phương thức cho vay ủy thác qua các đoàn thể, từ đó đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân một cách nhanh chóng. Đến ngày 30/6/2022, toàn huyện có 14.622 người nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn ủy thác qua các tổ chức đoàn thể với dư nợ cho vay đạt hơn 516 tỷ đồng, chiếm 99,86% tổng dư nợ cho vay.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn xác định đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, ban giảm nghèo các xã, thị trấn, từ đó tổ chức hoạt động nền nếp và hiệu quả, bảo đảm an toàn nguồn vốn của nhà nước; đồng thời, chủ động bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách để ủy thác đầu tư qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Qua thực tế hoạt động có thể khẳng định, việc thực hiện tốt Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Tiền Hải đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, trên địa bàn huyện Tiền Hải đã có:
  • Trên 152.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng CSXH;
  • 17.407 hộ vượt qua ngưỡng nghèo;
  • 8.769 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm;
  • 142 lao động được đi xuất khẩu lao động;
  • 14.619 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học;
  • Gần 60.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng;
  • 1.196 số căn nhà được xây dựng, trong đó nhà ở cho hộ nghèo, nhà phòng tránh bão là 1.159 căn, nhà ở xã hội là 37 căn;
  • 2 doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất cho gần 80 lao động.

Minh Hương