Chủ nhật, 19/05/2024, 00:28[GMT+7]

Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp

Thứ 5, 15/09/2022 | 08:32:14
3,445 lượt xem
Làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình là khát khao của nhiều thanh niên trong hành trình lập thân, lập nghiệp. Hiểu được vấn đề này, các ngành, địa phương, đặc biệt là các cấp bộ đoàn trong tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ, khích lệ thanh niên mạnh dạn biến những dự định, hoài bão thành hiện thực, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ.

Mô hình trồng cây công trình và hoa của vợ chồng anh Nguyễn Quốc Thịnh, chị Đoàn Thị Khuyên, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) cho thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Với mô hình nuôi dê lấy sữa, chế biến các sản phẩm từ sữa dê theo hướng hữu cơ, anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Nhưng không nhiều người biết anh từng tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2018 và đạt giải nhì, được vào vòng chung kết tham gia cuộc thi cấp quốc gia năm 2018. 

Theo anh Nghĩa, từ khi tham gia cuộc thi, anh có nhiều cơ hội giao lưu, học tập nhiều kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp, tham gia các chương trình đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tổ chức đoàn, giúp anh càng thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Hiện anh đang áp dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi, sản xuất sữa dê. Anh Nghĩa dự định sẽ xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đầu tư máy móc hiện đại theo hướng tự động hóa.

Cũng như anh Nghĩa, nhiều thanh niên đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, thanh niên trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn: Vốn ít, kinh nghiệm chưa có, chưa lựa chọn được phương pháp quản trị, khoa học kỹ thuật phù hợp với mô hình...

Gỡ khó cho thanh niên khởi nghiệp, với sự thích ứng và sự chuẩn bị về giải pháp, nguồn lực, các cấp bộ đoàn đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thanh niên. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới công tác vận động nguồn lực xã hội đầu tư và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thì sự đồng hành của tổ chức đoàn càng thêm ý nghĩa. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ cho biết: Năm 2021, Huyện đoàn đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp trẻ và chủ mô hình thanh niên phát triển kinh tế huyện Quỳnh Phụ. Hiện CLB có 25 thành viên với số quỹ đầu tư khởi nghiệp 250 triệu đồng, trong đó CLB đang hỗ trợ 150 triệu đồng cho 5 mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Đoàn thanh niên các cấp là cầu nối giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn theo các chương trình ưu đãi; đồng thời, thường xuyên thăm, động viên, gợi mở thanh niên lựa chọn mô hình phù hợp và quảng bá, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của các mô hình.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 1 CLB đầu tư khởi nghiệp, 1 CLB Lương Định Của cấp tỉnh, 8 CLB thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 92 CLB thanh niên phát triển kinh tế cấp xã và trên 700 mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu. Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; diễn đàn học sinh, sinh viên khởi nghiệp; mời những chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp thành công chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những bài học trong quá trình khởi nghiệp; tuyên dương các mô hình tiêu biểu của thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp... Cùng với đó là phối hợp với các ngân hàng và qua nguồn vốn của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm và mở rộng thị trường, hỗ trợ việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của thanh niên...

Mô hình nuôi dê lấy sữa của anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Thông qua các hoạt động đồng hành của tổ chức đoàn đã khai thác được tiềm năng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên từ nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin, ý chí và sự quyết tâm khởi nghiệp. Điều này cũng là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức đoàn trong đời sống thanh niên, để thời gian tới tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Phương Chi


Ông Nguyễn Đức Thuận, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy
Tôi cũng như nhiều đối tượng chính sách được các cấp, ngành, đoàn thể, trong đó có đoàn thanh niên đặc biệt quan tâm. Qua các chương trình tình nguyện tại địa phương cũng như theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy cán bộ đoàn các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều thể hiện tính năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực vì cộng đồng. Tôi mong muốn đội ngũ cán bộ đoàn trong nhiệm kỳ mới tiếp tục đưa công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh nhà ngày càng phát triển. Đoàn viên, thanh niên luôn phát huy tinh thần chủ động, là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, xứng đáng là cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình
Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 không chỉ là ngày hội lớn mà còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh. Tôi tin rằng Đại hội sẽ bầu ra đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhiệm kỳ mới bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện, là những cán bộ đoàn tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, tiếp tục lãnh đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đạt được nhiều kết quả hơn nữa. Tại Đại hội lần này, tôi mong rằng các giải pháp nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên tiếp tục được đại biểu quan tâm thảo luận. Trong đó, tổ chức đoàn cần tiếp tục tăng cường các hình thức tập hợp thanh niên thông qua việc nhân rộng các hình thức tổ, nhóm, câu lạc bộ thanh niên phù hợp với từng địa bàn, từng lĩnh vực ngành nghề; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, phong trào như: Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thanh niên tình nguyện; tuổi trẻ sáng tạo...

Chị Lương Thị Thanh Thủy, Bí thư Đoàn Thanh niên Viễn thông Thái Bình
Thời gian tới, công tác đoàn và phong trào thanh niên diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực. Tôi mong Ban Chấp hành Tỉnh đoàn nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các phong trào hành động cách mạng, các chương trình đồng hành gắn với chuyển đổi số, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, thể hiện được tinh thần xung kích, tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ. Tổ chức đoàn sẽ có nhiều hoạt động, sân chơi mới cổ vũ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp phát huy sức trẻ đưa ra những sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Cát Tường


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày