Thứ 5, 09/05/2024, 08:44[GMT+7]

Tiếng kẻng bình yên

Thứ 2, 25/02/2019 | 08:52:41
3,158 lượt xem
Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào địa bàn, Đồn Biên phòng Trà Lý đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Tiếng kẻng bình yên” tại giáo xứ Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy). Tiếng kẻng đã trở nên quen thuộc và là một phần không thể thiếu của người dân nơi đây trong nhiều năm qua.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Lý phối hợp tuần tra trên địa bàn khu vực biên giới biển xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy.

Kể cho chúng tôi về câu chuyện xây dựng mô hình “Tiếng kẻng bình yên”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trà Lý chia sẻ: Mô hình này được ra mắt ở xã Thái Thượng từ tháng 4/2011 do đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trà Lý tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Thái Thượng và Hội đồng giáo xứ Bích Du xây dựng. Mô hình ra đời nhằm phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và hương ước của thôn làng. Hạn chế mặt tiêu cực, không để phần tử xấu, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập vào địa bàn. Thông qua đó, chủ động đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Những ngày đầu thành lập, “Tiếng kẻng bình yên” chưa nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Nhiều người cho rằng, mô hình đã lỗi thời, lạc hậu so với thời đại này nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn và của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, mô hình dần đi vào cuộc sống và nhận được sự quan tâm, tham gia của người dân. Từ thôn Bích Du, mô hình đã lan tỏa ra toàn xã Thái Thượng chỉ sau một thời gian thành lập.

Để tiếng kẻng đi vào lòng dân và không tốn nhiều về kinh phí, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lý đã thu băng tiếng kẻng của đơn vị rồi phát đồng loạt ở 40 cụm loa truyền thanh của xã Thái Thượng. Vậy là gần 10 năm qua, đúng 22 giờ, tiếng kẻng lại vang lên, báo hiệu giờ “giới nghiêm” bắt đầu. Như đã trở thành thói quen, không ai bảo ai, tất cả người dân tự giác kiểm tra lại khóa cửa, cổng đề phòng trộm cắp trước khi đi ngủ. Cùng với cảnh báo người dân đề phòng trộm cắp, “Tiếng kẻng bình yên” còn có các quy định tiến bộ như khuyến khích tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới, không được mở loa đài, băng đĩa nhạc sau 22 giờ hàng ngày; đồng thời, chủ gia đình có tiệc cưới phải cam kết không để mất an ninh trật tự; nghiêm cấm việc cho thuê, cho mượn nhà, che giấu, chứa chấp các hành vi bất hợp pháp như cờ bạc, mại dâm, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, tuyên truyền mê tín dị đoan... Tất cả nội quy này đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.

Từ khi xây dựng mô hình “Tiếng kẻng bình yên”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Thái Thượng có chuyển biến tích cực, tệ nạn xã hội như trộm cắp, mâu thuẫn cá nhân giảm hẳn, đặc biệt là mọi hoạt động thường ngày đã đi vào nền nếp, thành quy chế. Sau khi tiếng kẻng được phát đi, các tổ tuần tra của Công an xã phối hợp với cán bộ biên phòng địa bàn đi tuần tra các đường làng ngõ xóm trên địa bàn xã. 

Ông Lương Văn Khoái, thôn Bích Du, xã Thái Thượng cho biết: Giáo xứ Bích Du có 3 họ giáo với 540 nhân khẩu của 140 hộ giáo dân. Trong những năm qua các họ giáo của giáo xứ Bích Du luôn sống tốt đời, đẹp đạo - sống phúc âm trong lòng dân tộc. Đối với nhiều gia đình giáo dân, tiếng kẻng đã tạo cho mọi người có lối sống giờ giấc, kỷ luật. Khi nghe tiếng kẻng, mọi người dù có đang vui chơi, tụ tập hay gia đình nào có đám hiếu, hỷ đều dừng mọi hoạt động. Người dân rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tình đoàn kết thôn xóm cũng được cải thiện.

Để mô hình hoạt động một cách có tuần tự, nhịp nhàng, bà con đã đứng ra bầu tổ tự quản gồm 9 thành viên là đại diện của Đồn Biên phòng Trà Lý, người đứng đầu giáo xứ và các trưởng thôn. Tất cả các thành viên trong tổ tự quản đều là người có uy tín, nhiệt tình đảm nhận công việc mà bà con tin tưởng giao cho. Cùng với xây dựng mô hình “Tiếng kẻng bình yên”, Đồn Biên phòng Trà Lý còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Thái Thượng, xã Thái Đô xây dựng  thành công mô hình “Họ giáo không có ma túy và tệ nạn xã hội” ở giáo xứ Bích Du (Thái Thượng) và giáo xứ Danh Giáo (Thái Đô) theo phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” bằng cách phát huy tính tự giác của từng gia đình, từng người dân trên địa bàn. 

Anh Đỗ Quang Thụy, xã Thái Thượng nhiều năm tham gia tổ tự quản cho biết: Chúng tôi tham gia tổ tự quản xuất phát từ cái tâm, vì cuộc sống bình yên của bà con địa phương mình nên không ngại mang tiếng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Thật hạnh phúc khi biết rằng, tổ tự quản bây giờ đã trở thành một mô hình có hiệu quả được nhân rộng trên khắp địa bàn các xã khu vực biên giới biển của tỉnh.

Thiếu tá Nhâm Văn Dương, nhân viên đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trà Lý phụ trách địa bàn xã Thái Thượng cho biết: Hiệu quả lớn nhất của hai mô hình “Tiếng kẻng bình yên” và “Giáo xứ không ma túy và tệ nạn xã hội” này là tăng cường sự gắn kết quân dân, giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị và bà con giáo dân ngày càng tin tưởng nhau hơn, từ đó chung tay, góp sức vì bình yên cuộc sống.

Hợp khánh
(Bộ đội Biên phòng tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày