Chủ nhật, 19/05/2024, 07:43[GMT+7]

Giao dịch qua zalo “Cháy nhà hai đầu”

Thứ 2, 08/04/2019 | 08:39:35
1,283 lượt xem
Phát triển kinh tế, hướng tới làm giàu là nhu cầu chính đáng của mỗi người, song trước bối cảnh tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, người dân cần hết sức cảnh giác, đừng vì “cái bẫy” lợi trước mắt mà chuốc lấy hậu quả khôn lường.

Tranh tồn kho của chị Hường do không bán được.

Trong khi dư luận cả nước đang hoang mang, bất bình trước việc nhiều nạn nhân thuộc nhiều tỉnh, thành phố lâm vào cảnh mất hàng trăm tỷ đồng tiền đặt cọc do nhận gia công xâu chuỗi màn cửa với số lượng lớn mà sản phẩm không được chủ đặt hàng tiếp nhận, thanh toán tiền thì tại xã Nam Hà (Tiền Hải), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hà cũng đang lâm vào tình trạng tương tự, chỉ khác mặt hàng nhận làm gia công là tranh thêu và tranh đá.

Theo các tài liệu, chứng cứ do Công an huyện Tiền Hải điều tra, thu thập được thì sự việc bắt đầu phát sinh vào tháng 6/2018, khi chị Nguyễn Thị Thu Hường, sinh năm 1984, trú tại thôn An Nhân Bình, xã Bắc Hải (Tiền Hải), Phó Hiệu trưởng Trường Trường Mầm non Nam Hà nhận làm gia công tranh thêu và tranh đá cho hai người phụ nữ, một người tên Mai ở Hà Nội, một người tên Hà ở Hải Phòng. Chị Hường quen với hai người phụ nữ này khi làm tranh gia công cho chị Hương ở thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) và được họ tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Tranh Cường Phát (Hải Phòng) có nhu cầu mua tranh thành phẩm. Thấy mức tiền công cao hơn (50.000 - 200.000 đồng/tranh) và kỹ thuật dễ hơn so với việc làm tranh với chị Hương nên chị Hường đã đồng ý nhận lời làm đối tác gia công tranh với Mai và Hà. Có mối làm ăn, thông qua mạng xã hội (zalo) chị Hường liên hệ với cửa hàng tranh thêu Phúc Ngọc có giấy đăng ký kinh doanh số 20D8004903 do chị Kiều Thị Thơm, sinh năm 1989 ở Nghĩa Hồ, Lục Ngạn, Bắc Giang làm chủ cơ sở để mua khoảng 5.000 phôi tranh nguyên liệu. Chị Hường đã chuyển cho chị Thơm tổng số tiền để mua phôi là 1,2 tỷ đồng, trong đó chuyển qua tài khoản ngân hàng 800 triệu đồng còn 400 triệu đồng thông qua giao dịch trực tiếp. Khi có phôi tranh chị Hường đặt vấn đề với 13 người cùng cộng tác làm ăn theo phương thức những người này bỏ ra trước một số tiền đặt cọc để nhận phôi tranh về làm, sau khi trả tranh thành phẩm, khoảng một tuần sẽ được thanh toán cả tiền gia công và tiền đặt cọc. Thấy mức tiền công cao nên các đối tác của chị Hường đều nhất trí cộng tác. Sự việc trôi chảy được 4 lần và chị Hường đã thanh toán tiền công cho 13 người làm gia công thuê sau khi giao 200 bức tranh và thu tiền từ Mai và Hà.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2018 thì chị Hường hoàn toàn mất liên lạc với đối tác nhận tranh là Mai và Hà. Trước sức ép đòi tiền công và tiền đặt cọc của 13 người mà chị Hường thuê làm gia công và nghi đã bị lừa nên chị Hường đã trình báo cơ quan công an. Sau khi thụ lý vụ việc, cơ quan Công an huyện Tiền Hải đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ song không xác định được các đối tượng Mai và Hà ở đâu, làm gì do thông tin chị Hường cung cấp về các đối tượng ít, mờ nhạt. Công an huyện Tiền Hải đã lập biên bản kiểm đếm số tranh thành phẩm mà chị Hường chưa bán được, hiện lưu giữ trong kho và giao cho chị Hường có trách nhiệm quản lý và bảo quản tổng số 3.897 bức tranh thành phẩm.

Quá trình điều tra, Công an huyện Tiền Hải xác định việc chị Hường kinh doanh tranh đá, tranh thêu là có thật. Việc chưa thanh toán được công nợ (tiền công và tiền đặt cọc) là do yếu tố khách quan mang lại, cụ thể là chưa bán được 3.897 bức tranh. Đồng thời, chị Hường vẫn ký nhận nợ và cam kết trả nợ cho từng người gia công tranh và cũng không đủ căn cứ để chứng minh rằng chị Hường có điều kiện, khả năng thanh toán nhưng cố tình không trả để chiếm đoạt. Tại văn bản số 187/TB-CAH ngày 29/3/2019, Công an huyện Tiền Hải khẳng định không đủ căn cứ để chứng minh “thủ đoạn gian dối” và mục đích “chiếm đoạt tài sản” của chị Hường để xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. Vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là tranh chấp dân sự nếu các bên không thỏa thuận được việc thanh toán công nợ.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Nam Hà và Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hà cho biết, hiện chị Hường đã thỏa thuận được việc thanh toán tiền nợ với 10 người, còn 3 người (trong đó có 2 người công tác cùng trường với chị Hường) chưa thống nhất được. Cũng theo lãnh đạo xã và nhà trường, việc kinh doanh tranh của chị Hường làm ngoài giờ, mọi nhiệm vụ được nhà trường giao cô Hường đều hoàn thành tốt, bảo đảm tiến độ, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường.

Trong vụ việc còn cho thấy nhận thức của người dân về pháp luật còn thấp, hiểu biết khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế hết sức giản đơn, mất cảnh giác. Khi các đối tác giao tiền đặt cọc và cam kết nhận làm gia công cho chị Hường, tất cả các giao dịch đều không có người chứng kiến, không có giấy tờ ký nhận (tuy nhiên việc nhận tiền vẫn được chị Hường thừa nhận). Đặc biệt đối với chị Hường, mới quen với Hà và Mai, không biết rõ địa chỉ, chỉ thông qua mạng xã hội mà đã giao dịch đến tiền tỷ lại không có hợp đồng ký kết, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Hậu quả chị Hường phải gánh chịu là “cháy nhà hai đầu”, tranh không bán được nên đọng tiền trong khi vẫn phải thanh toán công nợ cho 13 đối tác. 

Phát triển kinh tế, hướng tới làm giàu là nhu cầu chính đáng của mỗi người, song trước bối cảnh tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, người dân cần hết sức cảnh giác, đừng vì “cái bẫy” lợi trước mắt mà chuốc lấy hậu quả khôn lường.

"Trường Mầm non Nam Hà (Tiền Hải) vừa triển khai thực hiện văn bản số 235/UBND-NV ngày 4/4/2019 của UBND huyện Tiền Hải về việc không phân công nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hà đối với bà Nguyễn Thị Thu Hường trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày 5/4.  Chỉ đạo của UBND huyện dựa trên cơ sở thông báo của Thường trực Huyện ủy, báo cáo của Công an huyện Tiền Hải và báo cáo liên ngành của Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Theo đó, việc  không phân công nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hà để bà Nguyễn Thị Thu Hường giải quyết các khoản công nợ đối với các đầu mối làm tranh đính đá.

Trước đó, ngày 29/3/2019, Công an huyện Tiền Hải ra văn bản số 187/TB-CAH xác định có sự việc bà Hường mua phôi tranh và giao cho 13 người khác làm gia công từ tháng 6/2018. Đến tháng 12/2018, các đối tác của bà Hường không liên lạc mua tranh của bà nữa nên bà Hường bị tồn đọng 3.897 bức tranh thêu và đính đá. Từ đó dẫn đến việc bà Hường chưa thanh toán được công nợ (tiền công và tiền đặt cọc) cho 13 người mà bà Hường thuê làm gia công. Qua quá trình thương thảo, 10 người đã thống nhất được cách giải quyết với bà Hường, còn 3 người vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung. Cơ quan Công an huyện Tiền Hải cũng xác định vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là tranh chấp dân sự nếu các bên không thỏa thuận được việc thanh toán công nợ."


Phan Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày