Thứ 7, 20/04/2024, 00:14[GMT+7]

Tìm hiểu về huyệt đan điền hãy khai thác kho báu cho sức khỏe con người

Thứ 2, 12/12/2022 | 08:42:28
48,541 lượt xem

1. Huyệt đan điền là gì?

- Đan điền là một thuật ngữ được xuất phát bởi một môn phái đạo sư tu luyện về tinh/khí/thần. Đây là bộ ba tam bảo đem lại sức khỏe cho con người, mà khởi nguồn là từ những bí thuật tu luyện yoga thời cổ đại (theo đông y thì đan điền có nghĩa là ruộng trồng đan dược).

- Đan điền là nơi tập trung khí lực nhiều nhất của cơ thể.

- Đan điền gồm 3 vị trí trên cơ thể là: thượng đan điền (tương ứng với huyệt ấn đường), trung đan điền (tương ứng với huyệt đản trung) và hạ đan điền (tương ứng với huyệt khí hải).

+ Thượng đan điền hay còn gọi là đan điền thần, nó nằm ở trong sâu (tương ứng với huyệt ấn đường), chỗ giao nhau giữa hai lông mày trên trán.

+ Trung đan điền hay còn gọi là đan điền khí, nó nằm ở trong sâu (tương ứng với huyệt đản trung), ở trung điểm của đường nối giữa 2 núm vú.

+ Hạ đan điền hay còn gọi là đan điền tinh, nó nằm ở trong sâu (tương ứng với huyệt khí hải ở phía trước và huyệt mệnh môn ở phía sau) dưới rốn khoảng 3cm (1,5 thốn đồng thân).


2. Tác dụng của huyệt đan điền

a - Huyệt ấn đường (đan điền thượng, đan điền thần).

Có tác dụng chữa những cơn đau đầu vùng trước trán và an định tâm thần rất hiệu quả.

Việc thường xuyên massage, day bấm huyệt với lực vừa phải có thể giúp giải tỏa căng thẳng, làm dịu tâm trí, điều trị chứng mất ngủ và mệt mỏi kéo dài.

b - Huyệt đản trung (đan điền trung, đan điền khí).

Có công dụng giáng nghịch, điều khí, hóa đờm, thanh phế, thông ngực.
Ngoài ra, đây là huyệt chuyên chủ trị những cơn đau ngực, khó thở, các cơn hen suyễn tái phát, đau thần kinh liên sườn.

c - Huyệt khí hải (đan điền hạ, hay đan điền tinh).

- Điều trị các bệnh gây ra do tắc nghẽn khí huyết, suy nhược cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, đái dầm, đau bụng quanh rốn, tiểu nhiều, cải thiện các chứng bệnh về đường sinh dục, tuyến tiền liệt...

- Trong khí công  thì khí hải, đan điền là một trong những vùng tụ khí của cơ thể,  là cái bể chứa nguyên khí của cơ thể nên có vai trò hết sức quan trọng, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận. Khi day bấm vào huyệt khí hải sẽ giúp củng cố bồi bổ chức năng của thận, tốt cho hệ xương khớp, làm giảm huyết áp, đẩy lùi bệnh hen suyễn, khó thở.

- Đồng thời, nếu tập dưỡng sinh, tập thở đan điền sẽ làm cho khí tụ luôn dồi dào ở khí hải, đan điền, cơ thể cường tráng, từ đó cũng chuyển hóa ra bên ngoài da, giúp làn da luôn trẻ đẹp, săn chắc.

* Cách day bấm khí hải, đan điền

+ Dùng lòng bàn tay xoa tròn vùng bụng dưới rốn từ 3 - 5 phút theo chiều kim đồng hồ.

+ Sau đó dùng ngón tay cái bấm chìm sâu vào huyệt khí hải, đan điền từ 2 - 3 phút.

+ Bấm xong xoa day, vỗ nhẹ lên vùng huyệt vừa bấm.

+ Nên bấm trước khi đi ngủ và buổi sáng lúc thức dậy.

3. Tập thở đan điền (thở bụng)

- Từ từ hít vào qua mũi, dồn khí xuống dưới khiến cho bụng phình lên.

- Từ từ thở ra, ép bụng xuống đẩy hết khí ra ngoài.

- Thở đan điền là hít thở sâu nhưng quá trình phải diễn ra hết sức tự nhiên, không nên cố gắng để tạo ra hơi thở mà chỉ cần tập trung ý niệm vào hơi thở, cảm nhận được sự sung mãn, âm dương dung hòa, khí huyết được lưu thông. Từ đó sẽ thấy sức khỏe được cải thiện và tâm an.

* Lưu ý:

- Các vị trí huyệt đan điền kể cả thượng, hạ, trung đều nằm trong số 36 huyệt quan trọng (trong võ thuật gọi đó là tử huyệt), vì vậy tuyệt đối tránh va đập, tác động mạnh, đột ngột (kình lực) vào các vị trí huyệt này sẽ rất nguy hiểm.

- Thực hiện day bấm các huyệt đan điền và tập thở đan điền phải được thực hiện kiên trì bền bỉ, đó là một kho báu cho sức khỏe, chớ coi thường mà cần khai thác thường xuyên giống như ăn uống hàng ngày.

Bác sĩ: Bùi vũ khúc