Thứ 6, 29/03/2024, 18:58[GMT+7]

Chuột rút và cách xử trí

Chủ nhật, 18/12/2022 | 21:18:43
8,037 lượt xem
Nhiều người cho rằng, cứ chuột rút là do thiếu canxi và đi mua canxi để uống, điều đó không hẳn như vậy. Để hiểu thêm vấn đề này, cùng tìm hiểu về tình trạng chuột rút.

Kéo giãn khi bị chuột rút bắp chân.

1) Chuột rút là gì
Chuột rút hay còn gọi là vọp bẻ là hiện tượng cơn co cơ mạnh, thắt chặt các cơ gây đau, chuột rút thường đến đột ngột và kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Thường hay xảy ra ở chân và vào ban đêm nhiều hơn.

2) Có mấy loại chuột rút và nguyên nhân
Có hai loại chuột rút là chuột rút tự phát và chuột rút bệnh lý.

Với chuột rút tự phát, nhiều nghiên cứu cho rằng, do hoạt động cơ bắp quá độ, hoặc do giữ lâu ở một tư thế và có thể kết hợp với yếu tố thời tiết thay đổi, sẽ gây chuột rút. Chuột rút có thể xảy ra tức thì và cũng có thể chuột rút vào ban đêm. Việc hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể bị mất muối, làm giảm nồng độ kali, magie, natri, canxi trong máu, ứ đọng axit lactic tại các bó cơ... từ đó dẫn đến chuột rút.

Chuột rút bệnh lý có nghĩa là, nếu ta hay bị chuột rút mà không rõ nguyên nhân thì phải nghĩ đến có thể ta đang bị mắc một bệnh lý nguy hiểm nào đó.

3) Chuột rút có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm nào
- Chuột rút thường hay xảy ra ở những người mắc các bệnh lý sau: bệnh tiểu đường, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh parkinson, bệnh thận, rối loạn tuần hoàn, bệnh suy giãn tĩnh mạch...

- Hoặc do một số loại thuốc dùng lâu dài, tác dụng phụ gây đau cơ, chuột rút, như một số thuốc mỡ máu mà đặc biệt là crestor.

4) Xử trí thế nào khi bị chuột rút
- Về nguyên tắc, chuột rút là hiện tượng co cơ, vậy nên cần xử trí tại chỗ là kéo làm cho giãn bó cơ nơi bị chuột rút. Kết hợp xoa bóp ủ ấm giúp cho giãn cơ, lưu thông khí huyết, làm cơn đau dịu dần.

- Dùng thuốc: Hầu hết các loại thuốc được kê đơn để phòng ngừa chuột rút như: chất bổ sung canxi, quinine, magie, benzodiazepine... đều không đem lại tác dụng rõ rệt, mà đôi khi còn có các tác dụng phụ bất lợi, việc bổ sung canxi chỉ đối với những người bị thiếu canxi thì mới đem lại hiệu quả.

- Còn có một số nguyên nhân khác gây chuột rút cần lưu ý như:

Cơ thể bị thiếu nước, cần uống đủ nước.

Béo phì khiến chân chịu sức nặng quá mức liên tục, cần giảm cân và thay đổi tư thế thường xuyên.

Lưu ý không nên đeo giầy dép quá chật, gót quá cao, cũng có thể gây chuột rút.

Phụ nữ mang thai làm tăng dần trọng lượng và chèn ép hệ thống mạch máu xuống chân, cũng là nguyên nhân gây chuột rút, cần tập thư giãn và xoa bóp cho lưu thông.

- Phòng chuột rút thông thường; Trước khi đi ngủ nên xoa dầu nóng và day bóp bấm huyệt quanh vùng hay bị chuột rút.

-  Nếu ta hay bị chuột rút mà không do lao động nặng nhọc, không do để ở một tư thế quá lâu, không do đang mang thai hoặc không do dùng các loại thuốc chữa bệnh mãn tính khác, thì phải đi khám bệnh tư vấn bác sĩ phát hiện xem có bị mắc các bệnh khác hay không.

Tự chữa chuột rút bắp chân bằng khăn.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc