Chủ nhật, 05/05/2024, 08:09[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thứ 6, 10/03/2023 | 10:53:31
8,499 lượt xem
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã khẳng định tầm quan trọng của cách mạng văn hóa trong mối quan hệ với cách mạng chính trị. 80 năm qua, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Trên tinh thần coi việc xây dựng con người Việt Nam mới phát triển toàn diện, gắn kết cộng đồng và hướng về cơ sở, Đảng đã coi việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Người dân tham gia vui chơi, tập luyện thể thao tại nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu thôn Hòe Nha, xã Thụy Chính (Thái Thụy).

Thực hiện chủ trương của Đảng, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại Thái Bình, sau hơn 20 năm triển khai, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng chuẩn mực, đạo đức lối sống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc ở mỗi cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm hỗ trợ vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, phát triển đời sống kinh tế gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Tính riêng trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động trong hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” được trên 13 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa 129 nhà đại đoàn kết với số tiền 3,4 tỷ đồng, hỗ trợ giống, vốn cho 37 hộ nghèo trị giá trên 100 triệu đồng. Các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp, ủng hộ giúp nhau vượt khó, thoát nghèo 4.074 triệu đồng, số hộ được hội trực tiếp giúp đỡ thoát nghèo là 1.710 hộ. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã chủ động nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số dư là 2.499,667 tỷ đồng cho 46.719 thành viên vay…

Từ việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, triển khai thực hiện quy ước, hương ước thôn làng; công tác an ninh văn hóa, an ninh tôn giáo gắn với việc đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo. Năm 2022, toàn tỉnh có 92,6% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Trong phong trào thi đua xây dựng  gia đình văn hóa  ở các địa phương, đã xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái thành đạt, nhiều gia đình giữ gìn được nền nếp gia phong, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Qua từng năm, thông qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, việc chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở mỗi địa bàn dân cư. Nhờ đó, năm 2022, toàn tỉnh có 94% số thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 73% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 73,6% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, nhân dân về xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được Ủy ban MTTQ các cấp quan tâm triển khai và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Phong trào thi đua xây dựng thôn, tổ dân phố, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân, không ít thôn, tổ dân phố, khu phố nhiều năm liền giữ vững các danh hiệu văn hóa.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, cơ bản đủ điều kiện phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, việc hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai. Sau 1 năm thực hiện, 148 thôn, tổ dân phố đã được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao, xây dựng tủ sách cộng đồng. 

Tháng 11/2020, huyện Thái Thụy là địa phương có nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Nỗ lực thực hiện tiêu chí về văn hóa, địa phương này đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ các thôn, tổ dân phố trong xây dựng nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu. Nhờ sự vào cuộc tích cực từ các cấp chính quyền, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện Thái Thụy đã có 87 nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu được nhân rộng. 

Hiện nay, thành phố Thái Bình cũng là địa phương đã thông qua đề án hỗ trợ việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ, cụm tổ dân phố trên địa bàn thành phố, trong đó hỗ trợ mỗi nhà văn hóa, khu thể thao 30 triệu đồng. Việc xây dựng mô hình nhà văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu góp phần phát huy, nâng cao vai trò của các thiết chế nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là nòng cốt trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí cũng như các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại mỗi địa phương. 

Ông Trần Ngọc Lâm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thái Thụy chia sẻ: Thời gian tới để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu, ngành Văn hóa Thông tin huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa kiểu mẫu; tuyên truyền mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu để tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; hướng dẫn, chỉ đạo thành lập các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi, sở thích, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp được bảo tồn và phát huy.

Thanh Hằng