Thứ 6, 22/11/2024, 16:10[GMT+7]

Bệnh tật và khổ đau thấu hiểu để hóa giải

Thứ 6, 31/03/2023 | 15:41:48
12,559 lượt xem

Ảnh minh họa.

A/ Hiểu thực chất về bệnh tật và khổ đau
1) Bệnh tật
Trong cả đời người, không ai là không có bệnh. Người biết phòng tránh tốt hoặc may mắn thì ít mắc bệnh hoặc bệnh nhẹ hơn. Người không biết phòng bệnh hoặc ít may mắn thì mắc nhiều bệnh và bệnh nặng hơn.
Bệnh có thể di truyền từ nhiều thế hệ trước; có thể do mắc phải; có thể âm ỉ thầm lặng; có thể cấp tính dữ dội; có thể mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần; có thể theo suốt cả cuộc đời; có thể do chữa mà khỏi và cũng có thể tự khỏi mà không cần chữa...

2) Khổ và đau
Nhiều khi ta cứ tưởng khổ với đau là một, hiểu như thế là không đúng.
Khổ là những gì thuộc về tinh thần, tâm thần, làm cho ta phải suy nghĩ náo động, từ đó gây ra khổ, gọi là khổ thân, khổ tâm, phiền não. Ví dụ: bị chồng chê, vợ bỏ, con cái hư hỏng, làm ăn thua lỗ, chậm lên lương, thi trượt, lệnh khởi tố, mắc bệnh hiểm nghèo, sống cô đơn, bị đe dọa... Tất cả những thứ đó làm cho ta buồn phiền, bắt ta phải suy nghĩ mà sinh ra khổ.

- Đau là những gì thuộc về thể xác như: bị đánh, bị ngã, bị thương, bị gãy, bị tắc, bị thủng vỡ lục phủ ngũ tạng trong cơ thể, hoặc bị viêm nhiễm, thoái hóa...Tất cả những thứ đó tác động vào hệ thần kinh cảm giác gây ra đau đớn cho cơ thể.

3) Bệnh tật và khổ đau
Bệnh tật sinh ra đau, sinh ra khổ. Khổ sinh ra bệnh tật, sinh ra đau. Đau lại sinh ra khổ... Đó là một vòng xoắn bệnh lý, nếu ta không biết cách hóa giải, sẽ làm cho vòng xoắn bệnh lý đó càng trở nên trầm trọng. Ví dụ: bệnh loét dạ dày gây đau, làm cho ta lo lắng, mất ngủ, buồn phiền, sinh khổ; khổ tâm khổ thân, lo âu, mà theo cơ chế thần kinh lại làm cho dạ dày ngày một loét nặng hơn, đau hơn; càng đau càng thấy lo sợ lại càng khổ... cứ vậy nếu không chữa trị sẽ tạo thành vòng xoắn bệnh lý trầm trọng hơn.

B/ Biết hóa giải sẽ thấy nhẹ lòng
1) Khoa học và kỹ thuật để hóa giải
Nếu có bệnh tật thì dứt khoát phải đến cơ sở y tế để khám chữa càng sớm, càng tích cực càng tốt, đó là điều đương nhiên, cần thiết phải làm.

2) Quan điểm xác định để hóa giải
- Những triệu chứng bệnh mãn tính, bệnh tuổi già, hay tái đi tái lại như: đau mỏi xương khớp, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, đau đầu, nhức răng... Bạn cần xác định những triệu chứng bệnh như trên rất hay gặp phải, ai cũng có chứ không chỉ riêng ai.

- Những bệnh phải điều trị suốt đời kể từ khi bị mắc bệnh như: cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, suy thận, parkinson, bệnh tim mạch... Nếu đã bị mắc bệnh thì bạn cần phải xác định đó là vấn đề không thể khác được, phải theo nó suốt đời.

- Những bệnh quái ác nguy hiểm như bệnh ung thư... Nếu gặp phải, bạn cần xác định là khó chữa, tiên lượng xấu, phải sẵn sàng chấp nhận.

Xác định được như vậy sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.

3) Cơ sở để hóa giải
Khi lâm vào những tình trạng bệnh tật, khổ đau, ta cần đưa suy nghĩ quán tưởng theo các quy luật để mà tự hóa giải theo những góc nhìn như sau:
- Cuộc sống là vô thường (sinh/trụ/dị/diệt) có nghĩa là: con người cùng vạn vật đều sinh ra, tồn tại, biến đổi rồi tiêu biến đi để chuyển sang một thể dạng khác. Không có gì là mãi mãi.

- Đời người ai cũng đều trải qua: sinh - lão - bệnh - tử. Con người được sinh ra, lớn lên rồi già đi, ốm đau bệnh tật và kết thúc cuộc đời bằng cái chết, để chuyển sang một thể dạng khác.

Quy luật này ý muốn nhắc chúng ta hãy điều tâm an lạc, bình thản mà đón nhận quy luật cuộc sống, vì đây cũng là quy luật của tạo hóa sinh ra. Không có ai trường sinh bất tử; ai cũng chỉ có một lần sinh ra và một lần chết đi, chỉ có điều là sớm hay muộn mà thôi.

4) Thực hành hóa giải
- Duy trì một cuộc sống khoa học và lành mạnh cả về ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, tập luyện cũng như dùng thuốc.

- Hãy lạc quan hy vọng hoặc chấp nhận thực tại. Đừng kêu ca, phàn nàn, rên rỉ quá nhiều về bệnh tật. Càng kêu ca phàn nàn, càng làm cho tâm trạng ta thêm nặng nề bi quan, đồng thời làm cho người bên cạnh ta mệt mỏi theo.

- Nên thực hành Tứ Vô Lượng Tâm trong kinh Phật đó là: Từ - Bi - Hỉ - Xả
“Từ” là tình thương. Thương chính bản thân ta và thương người, thương cả vạn vật, cỏ cây, hoa lá... để ánh sáng của lòng bác ái rọi chiếu, lay chuyển, cảm hóa những ý nghĩ thất vọng bi ai trở về thiện tâm hữu ích.

“Bi” là buồn với nỗi buồn của người khác, đồng cảm và sẻ chia với những nỗi đau của người khác. Sẵn lòng giúp đỡ, an ủi, động viên họ.
“Hỷ” là vui, biết vui cùng niềm vui và sự thành công của người khác. Đừng ganh ghét, tính toán, nhỏ nhen, ích kỷ với người khác. Làm được vậy thì cuộc đời sẽ tràn ngập sự an lạc và tình yêu thương.

“Xả” là buông xả, bộc bạch, chia sẻ, tâm sự, không chấp chước, tích tụ, ghìm giữ, ứ đọng những gì không vui, không tốt đẹp ở lòng.
Những gì được coi là rác, bẩn thỉu, xấu xa, vô tác dụng thì hãy xả bỏ thường xuyên hàng ngày, đừng có tích tụ lại.

Những gì biết chắc chắn không thay đổi được, không nắm giữ được nữa thì cứ buông ra cho thư thái nhẹ nhàng.

Hãy buông bỏ cho thân tâm trở nên nhẹ nhõm.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày