Thứ 7, 23/11/2024, 12:00[GMT+7]

Rau mồng tơi và tác dụng chữa bệnh - Ai nên kiêng không ăn rau mồng tơi?

Thứ 6, 21/04/2023 | 06:39:08
3,178 lượt xem

Rau mồng tơi và tác dụng chữa bệnh
- Nếu ai gọi mồng tơi là một vị thuốc thì hơi quá quan trọng, nhưng mồng tơi không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn có tác dụng nhiều trong việc chữa bệnh, chỉ có điều là ta vô tình không để ý mà thôi.

Mồng tơi rất mát, đặc biệt vào mùa hè nóng nực, nó được xem như thứ rau không thể vắng mặt trong bữa cơm gia đình kể cả sang hèn, thậm chí tiệc tùng thì mồng tơi cũng được xếp hạng vào tốp tam (nhất, nhì, ba).

Theo đông y, mồng tơi có tính mát, hơi lạnh (hàn), vị ngọt hơi chua, không độc, đi vào 5 kinh tâm, can, tì, vị, đại tràng; giúp lợi tiểu, nhuận trường, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt.

- Một số bài thuốc từ mồng tơi:
+ Trị táo bón: Nấu rau mồng tơi ăn hàng ngày, có tác dụng nhuận tràng rất tốt và chống táo bón.

+ Trị mụn nhọt: Lấy lá mồng tơi, rửa sạch, giã nhuyễn sau đó đắp lên mụn nhọt sẽ khiến mụn nhọt nhanh chóng lặn đi.

+ Chữa bệnh trĩ: Lấy lá mồng tơi non giã kèm thêm vài hạt muối, đắp vào búi trĩ, cố định bằng gạc sạch sẽ giúp chống viêm, đỡ khô rát và búi trĩ co lên đáng kể.

+ Chữa say nắng: Giã lá mồng tơi rồi đắp vào trán sẽ giúp giảm nhiệt, bệnh nhân say nắng sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

+ Chữa nám, thâm da: Lấy lá mồng tơi rửa thật sạch, giã nhuyễn, sau đó đắp lên vùng da nám một vài giờ, làm nhiều lần sẽ giúp da giảm thâm, nám dần.

+ Chữa yếu sinh lý: Mồng tơi, rau ngót, rau má đem nấu với lòng gà hoặc lòng vịt ăn tuần 2 - 3 lần, giúp cải thiện sinh lý nam giới.

- Theo tây y, mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng bởi 1/2 bát canh rau mồng tơi sau khi nấu chín cung cấp đủ lượng vitamin A, 20% lượng sắt mà cơ thể cần trong ngày nhưng không nên lạm dụng.

+ Chất nhầy pectin trong mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, trừ nhiệt thấp, giảm béo, chống béo phì, do đó loại rau này đặc biệt thích hợp cho những người có mỡ máu, đường huyết cao, muốn giảm cân. Cụ thể là, chất nhầy pectin có khả năng hấp thụ cholesterol, khóa màng bấm ở thành ruột. Từ đó cholesterol không ngấm vào máu được mà theo đường đại tiện đi ra ngoài, giúp bạn giảm cân.

+ Nước cốt của mồng tơi có tác dụng làm lành các vết thương, đặc biệt là những vết thương do bỏng gây nên. Nguyên nhân là chất nhầy từ mồng tơi có tác dụng làm mát, tạo lớp màng bảo vệ và làm mau lành vết thương.

+ Rau mồng tơi còn có lợi cho các mẹ bầu và thai nhi nhờ chất axit folic là một trong những loại vitamin ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh như tật nứt đốt sống.

+ Sắt cũng là dưỡng chất trong mồng tơi rất có lợi cho phụ nữ mang thai. Nó cũng tham gia vào việc tạo hồng cầu, tăng cường sức khỏe tim mạch và phòng, chống ung thư.

Canh cua, rau đay, mồng tơi, mướp

Đây là món ăn mát bổ, phù hợp nhất vào mùa hè, vào những ngày trời nóng và phù hợp với vùng có thời tiết nắng nóng nhiều.

Tất cả các nguyên liệu nấu lên bát canh cua như: mồng tơi, rau đay, mướp và cua đều có tính mát và lạnh (hàn).

Canh cua là món ăn phù hợp cho những người ở thể nhiệt. Tuy nhiên những người ở thể thấp hàn (lạnh) thì không nên ăn canh cua.

Ai không nên ăn mồng tơi?
- Những người cơ thể thuộc về hàn, thấp (người lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, ỉa lỏng, không thích ăn đồ mát lạnh...) thì không nên ăn mồng tơi và cũng không nên ăn canh cua.

- Những người bị sỏi thận, bệnh gout không ăn rau mồng tơi, càng không nên ăn canh cua: vì trong rau mồng tơi chứa lượng axit oxalic, purin cao nên ăn nhiều rau mồng tơi và cua sẽ chuyển hóa thành axit uric, làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, tích tụ trong cơ thể dễ gây bệnh gout, sỏi thận. Hàm lượng acid uric cao sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận và làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng to và trầm trọng.

- Những người đang bị tiêu chảy không ăn mồng tơi. Vì mồng tơi có tính mát, lạnh, làm nhuận tràng, do vậy nếu đang bị tiêu chảy mà ăn mồng tơi thì bệnh càng nặng hơn.

- Người bị viêm loét dạ dày, đại tràng ở thể hàn thấp, không nên ăn mồng tơi. Vì thể hàn tức là lạnh, mà mồng tơi tính hàn nên cũng lạnh, ăn vào càng lạnh sẽ làm bệnh nặng hơn.

- Người gầy không nên ăn nhiều mồng tơi. Vì mồng tơi làm giảm quá trình hấp thu cholesteron tại ruột, người đã gầy mà chất béo không được hấp thu, lại bị đào thải qua phân, người sẽ càng gầy thêm.

- Tại sao có quan điểm cho rằng ăn mồng tơi không tốt cho xương khớp nhưng lại có quan điểm khác ngược lại là ăn mồng tơi tốt cho xương khớp?

+ Tất cả những người ở thể hàn thấp, đặc biệt là đau xương khớp do hàn (lạnh), do thấp (ẩm) thì không ăn mồng tơi, sẽ càng làm cho bệnh nặng thêm.

+ Những người đau xương khớp ở thể thấp nhiệt (nóng) thì ăn mồng tơi không sao cả. Nên dùng bài thuốc cổ truyền đông y sau đây:  Đem chân giò hầm nhừ và cho rau mồng tơi vào nấu chín cùng với chân giò hầm rồi ăn. Một tuần ăn 2 lần, rất tốt cho xương khớp.

Lưu ý:
- Không ăn rau mồng tơi nấu để qua đêm, đặc biệt là canh cua rau đay mồng tơi để qua đêm, vì ăn vào dễ gây đau bụng. Trong canh rau mồng tơi để lâu thì chất nitơrat chuyển hóa thành chất nitơrít, là một chất gây ung thư nguy hiểm.

- Không ăn mồng tơi sống, hoặc mồng tơi nấu chưa chín, dễ gây sôi bụng, đau bụng.

- Rau mồng tơi rất ưa chuộng chất kích thích, lá to, ngọn mập, vươn lên xanh mướt, vì vậy nên chọn mua rau ở nơi tin cậy.

- Rau mồng tơi dễ trồng ngay tại sân thượng, vườn nhà, nên trồng lấy rau ăn là an toàn nhất.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày