Thứ 5, 26/12/2024, 20:28[GMT+7]

Hoa hòe - Một vị thuốc quý

Thứ 7, 29/04/2023 | 10:39:05
4,905 lượt xem

Hoa hòe

- Nói đến hoa hòe, chắc hẳn nhiều người đã biết đã dùng, tuy nhiên nếu không hiểu rõ và dùng không đúng, sẽ gây tác hại trực tiếp cho sức khỏe.

- Cách thu hái: Cây hoa hòe dễ trồng và khi ra hoa, ta nên biết cách thu hái hoa hòe để có hiệu quả nhất: khi hoa hòe còn đương nụ căng mũm đều như hạt gạo, chưa nở thành hoa, chờ thời điểm khô ráo trong ngày thì bẻ lấy cành nụ hòe, tuốt lấy nụ bỏ cuống đi.

- Cách sao nụ hòe: Khi tuốt được nụ hòe, nhặt sạch lá và cuống, rồi cho vào chảo đun vừa lửa, sao đảo đều cho đến khi nụ hòe chuyển sang màu vàng hơi sậm màu là được.
Sao xong đổ ra nia, mẹt rồi phơi cho tới khi khô kiệt. Cho vào lọ đậy kín hoặc túi nilon buộc chặt, để dùng dần.

- Cách chọn mua nụ hoa hòe:

Không phải ai cũng trồng được hòe để dùng, vì vậy khi mua nụ hòe cần lưu ý chọn loại tốt như sau:

Nhìn các nụ hòe săn rời, không vón bết, tương đối to đều nhau, màu vàng hơi  sậm, không có hoặc có rất ít những hoa đã nở thành cánh, không mốc, không có sâu, mọt.

Đưa lên mũi ngửi có mùi thơm đặc trưng của hoa hòe. Đưa lên miệng cắn thử một nụ hòe không bị mủn và thấy mùi thơm của hoa hòe là được.

- Nếu có nhiều mà chưa dùng hết, thỉnh thoảng có thể bỏ ra sao qua rồi phơi lại cho khô để dùng.

Tác dụng chính của hoa hòe

* Theo đông y:

- Hoa hòe vị đắng tính mát hơi lạnh, đi vào kinh can và đại tràng.

- Tác dụng cầm máu, thanh nhiệt lương huyết, an thần, làm bền thành mạch máu...

- Chủ trị bệnh cao huyết áp, tim mạch, mất ngủ, đau xương khớp, chảy máu cam, ho ra máu, trĩ, đại tiện ra máu, phụ nữ rong kinh rong huyết, đau mắt...

* Theo tây y:

Thành phần hóa học của hoa hòe gồm các chất như: Rutin, Betulin, Soporradiol, Glucuronic acid...

Người ta chiết xuất để sản xuất ra các loại thuốc chữa bệnh khác nhau.

Ai nên dùng hoa hòe?

Những người ở thể nhiệt và có mắc các bệnh như: Bệnh trĩ; bệnh tim mạch; bệnh mất ngủ; bệnh cao huyết áp; bệnh xuất huyết (chảy máu cam, ho ra máu, ỉa ra máu, đáu ra máu, rong kinh, đau mắt đỏ); bệnh viêm khớp; mỡ máu cao, bệnh béo phì...

Ai không được dùng hoa hòe

- Những người thể hàn, ỉa lỏng, kém ăn, chậm tiêu, người lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, thiếu máu - không được dùng.

- Những người huyết áp thấp, tuyệt đối không dùng.

- Phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh không được dùng.

Cách dùng hoa hòe nấu nước uống thường xuyên hàng ngày và bảo đảm an toàn cho một số bệnh cụ thể như sau

1) Tùy theo bệnh mà thầy thuốc đông y sẽ gia vị hoa hòe vào bài thuốc chữa các bệnh khác nhau.

2) Cách dùng hoa hòe thường xuyên, an toàn cho một số bệnh cụ thể như: bệnh cao huyết áp, tim mạch; bệnh trĩ, táo bón, đại tràng viêm nhiệt; ngủ kém; mỡ máu cao, béo phì.

* Ngoài việc dùng các thuốc điều trị đặc hiệu cho từng bệnh cụ thể nêu trên, vẫn nên dùng đồng thời nước nấu hoa hòe, uống thay nước hàng ngày, sẽ có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho kết quả điều trị bệnh.

* Mỗi ngày lấy từ 10 - 15g nụ hòe đã sao, cho vào bình đổ 1,5 lít nước sôi hãm sau 15 phút, rót uống trong ngày.

Cuối ngày không uống hết thì đổ đi, ngày hôm sau pha ấm mới.

Một số bài thuốc y học cổ truyền từ hoa hòe

1) Trị trĩ xuất huyết, chảy máu cam: Nụ hòe, lá ngải, lá cây trắc bách diệp, mỗi vị 10g, tất cả đều sao kỹ đến mức gần như cháy. Sắc uống ngày một thang.

2) Trị tăng huyết áp, đau mắt: Nụ hòe 10g (sao vàng), lá sen 10g, cúc hoa vàng 4g, sắc uống ngày một thang.

3) Trị đại tiểu tiện ra máu: Hoa hòe 20g, lá cây trắc bách diệp 20g, cây kinh giới 8g, hoàng liên 8g, sắc uống, ngày một thang chia hai lần.

4) Trị đi ngoài ra máu, các trường hợp huyết nhiệt, mao mạch dễ vỡ, huyết áp cao: Hòe hoa, thảo quyết minh, mỗi thứ 10g, đem sao vàng, cho vào bình đổ nước sôi hãm uống thay nước chè, dùng liên tục nhiều ngày.

5) Trị viêm ruột, trĩ nội: Quả hòe (sao cháy đen) 100g, kim ngân hoa 100g, cam thảo 10g, nghệ vàng 10g. Các vị thuốc đem tán thành bột mịn, cho vào lọ thủy tinh đậy nắp kín, ngày uống 3 lần, liều dùng mỗi lần 10g uống với nước sôi ấm.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày