Chủ nhật, 25/08/2024, 08:24[GMT+7]

Đau cột sống thắt lưng, phải làm thế nào?

Thứ 6, 09/06/2023 | 17:02:02
2,016 lượt xem
Cột sống có từ 32 - 34 đốt sống (7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống lưng, 5 đốt sống cùng, 3 - 5 đốt sống cụt). Dọc theo cột sống lưng có thể bị đau ở nhiều chỗ khác nhau, thường là hay đau vùng cổ và vùng thắt lưng (do vùng cổ và thắt lưng chịu lực mạnh và hoạt động nhiều).

Ảnh khai thác internet

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau, tuy nhiên bài viết này chỉ đề cập tới đau cột sống thắt lưng (L1 - L5).

ĐAU CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Do một nguyên nhân nào đó tác động làm kích thích lên các dây thần kinh quanh đốt sống gây ra đau. Có nhiều nguyên nhân gây đau nhưng hay gặp nhất là do viêm hoặc thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, hoặc gai xương phát triển lên trên đốt sống, chèn vào các dây thần kinh, gây ra đau và hạn chế vận động.

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU CỘT SỐNG THắT LƯNG

Lưng là một cấu trúc phức tạp, được cấu thành bởi gân, cơ, xương, khớp và dây thần kinh. Vì vậy, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân đau lưng. Cần tiến hành kiểm tra y khoa cụ thể để xác định rõ nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị đúng.

- Do viêm khớp: Viêm khớp các đốt sống thắt lưng (L1 - L5) hay xảy ra do chịu áp lực nhiều hơn từ trọng lượng cơ thể. Đau lưng dữ dội hoặc âm ỉ, kèm theo sưng khớp, gù lưng, giảm chiều cao là những triệu chứng do viêm khớp mang lại.

- Do thoái hóa cột sống: Khi tuổi càng cao sự lão hóa cơ thể tự diễn ra, kết hợp với việc ăn uống kém, khả năng hấp thu kém của người cao tuổi, hoặc là lao động nặng, tư thế tùy tiện, cứ vậy theo thời gian sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống thắt lưng. Cơn đau lưng kéo dài từng đợt (một đến vài tuần) rồi giảm nhưng lại dễ tái phát nếu người bệnh hoạt động nhiều và mạnh, hoặc sai tư thế.

- Gai cột sống: Khi hiện tượng viêm tái phát và thoái hóa cột sống diễn ra trong thời gian dài, sụn bị mất nước, bị vôi hóa, lượng canxi tụ lại ở dây chằng sẽ tạo ra các gai ở xương sống lưng, gai tì cọ vào các dây thần kinh gây đau đớn. Ngoài ra, gai xương còn được hình thành sau những chấn thương, va chạm mạnh gây xơ hóa tạo ra gai sùi.

- Thoát vị đĩa đệm: Quá trình lão hóa tự nhiên hoặc khi có một lực mạnh tác động đột ngột, vòng sụn bên ngoài của đĩa đệm bị xơ hoặc rạn nứt, nhân nhầy trong lòng đĩa đệm thoát ra ngoài thông qua chỗ rách, chui vào cột sống, chèn ép rễ thần kinh, gây đau lưng. Thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, khiến cơn đau vùng thắt lưng diễn ra âm ỉ, cơn đau tăng mỗi khi vận động mạnh.

- Giãn dây chằng cột sống thắt lưng: Thường là do vận động mạnh, hoặc sai tư thế; cơn đau thắt lưng đến đột ngột. Hơn nữa, cơn đau thắt lưng sẽ đi kèm với tình trạng co cơ xung quanh cột sống, làm biến dạng cột sống thắt lưng.

- Hẹp ống sống: Thoái hóa có thể làm hình thành gai xương từ thân đốt sống. Các gai xương này phát triển vào trong ống sống và chèn ép tủy sống, gây nên đau cột sống thắt lưng. Thậm chí nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh có thể bị đau kéo dài kèm theo liệt hai chân.

- Ung thư: Trong trường hợp đau lưng dữ dội, nghiêm trọng, xuất hiện cùng các triệu chứng toàn thân như: sốt, sụt cân nhanh, nhiễm khuẩn... là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ung thư tủy sống.

- Gù vẹo cột sống: Cột sống bị gù vẹo khiến cơ thể khi đi bị khom lệch, lâu dần gây nên các cơn đau lưng và khiến người bệnh đau mỏi hơn.

- Các nguyên nhân khác như:

Các bệnh như phình động mạch, lao cột sống (vùng cột sống thắt lưng), bệnh thận cũng có thể gây đau vùng cột sống thắt lưng;

Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, hoặc kỳ kinh nguyệt, mãn kinh cũng hay bị đau thắt lưng;

Những người béo phì do cân nặng tăng sẽ gây áp lực lên cột sống, gây đau cột sống thắt lưng;

Chấn thương (tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay va chạm do chơi thể thao hoặc lao động nặng đều có thể làm chấn thương cột sống thắt lưng và gây nên các cơn đau cột sống thắt lưng);

Ngồi lâu, ngồi sai tư thế hoặc vận động sai tư thế khiến các dây chằng, đĩa đệm bị chèn ép, khó lưu thông máu và dẫn đến cơn đau cột sống vùng thắt lưng;

Ăn uống thiếu chất (đặc biệt là canxi), lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích, luôn lo lắng hay căng thẳng cũng có thể gây nên các cơn đau vùng thắt lưng.

LÀM GÌ KHI BỊ ĐAU CỘT SỐNG THẮT LƯNG?

- Việc đầu tiên là ngừng các hoạt động mạnh. Nghỉ ngơi, nếu thay đổi tư thế phải thật nhẹ nhàng. Nằm ở tư thế ít bị đau nhất.

- Tuyệt đối không đến các cơ sở tư nhân tự phát để xoa bóp, bấm, kéo nắn lưng một cách tùy tiện, có thể gây nguy hiểm đáng tiếc.

- Nhất thiết phải đi chiếu chụp kiểm tra, tìm nguyên nhân đau, xin tư vấn bác sĩ để điều trị đúng hướng và tích cực.

- Dùng thuốc giảm đau: Sau khi khám bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho uống thuốc, hoặc kết hợp thuốc xoa bôi, hoặc tiêm thuốc chống viêm giảm đau phù hợp.

(còn nữa)

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc