Chủ nhật, 28/04/2024, 13:10[GMT+7]

Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ cho dân văn phòng

Thứ 3, 04/07/2023 | 10:02:16
1,287 lượt xem
Dân văn phòng nên giữ tư thế đúng khi làm việc, tăng cường vận động, có chế độ dinh dưỡng phù hợp... để phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ.

Đau cứng cổ có thể là dấu hiệu cảnh báo thoái hóa đốt sống cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi sụn và xương bị hao mòn, ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. Bệnh có khả năng biến chứng thành mạn tính gây nên tình trạng cứng khớp, làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh.

BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết, thoái hóa đốt sống cổ thường là hậu quả của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lý này đang ngày càng trẻ hóa và gặp nhiều ở dân văn phòng.

Nguyên nhân chủ yếu là do phải ngồi làm việc trong thời gian dài. Ngồi lâu ở một tư thế gây căng thẳng, giảm tưới máu và gây áp lực lớn lên các khớp xương, đặc biệt là cột sống. Ngoài ra, thói quen cúi khom lưng, ngồi lệch vai, ngồi quá thấp hoặc quá cao so với bàn làm việc, nằm gục xuống bàn khi nghỉ trưa... cũng là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ.

Để cải thiện cũng như phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ khuyến cáo dân văn phòng cần chú ý:

Giữ tư thế đúng khi làm việc

Giữ tư thế đúng trong quá trình làm việc sẽ giúp làm giảm áp lực cho cột sống cổ. Theo đó, cần điều chỉnh độ cao của bàn và ghế sao cho khi đánh máy, cánh tay và khuỷu tay tạo thành góc vuông; tầm mắt ngang màn hình để máu lưu thông tốt hơn, giảm được tình trạng đau cổ vai gáy...

Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, cố gắng duy trì tư thế đứng thẳng, không khom lưng hoặc chùng vai, không mang vác vật nặng sai tư thế, không bật người dậy đột ngột khi đang nằm... cũng là những điều cần lưu ý để phòng ngừa thoái hóa cột sống.

Tăng cường vận động

Khi các cơ, xương, khớp, dây chằng dẻo dai thì cột sống cũng sẽ khỏe hơn. Do đó, bạn nên tăng cường vận động và tập thể dục hàng ngày. Dân văn phòng có thể tranh thủ thực hiện các bài tập đơn giản tại chỗ như gập cổ, xoay cổ, nghiêng cổ... và đứng lên đi lại sau mỗi 30-45 phút làm việc. Bên cạnh đó, khi tham gia các môn thể thao khác ngoài giờ làm việc, cần chú ý chọn môn thể thao phù hợp, dùng dụng cụ bảo vệ khi cần thiết.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Để giúp hệ cơ xương khớp nói chung và các đốt sống cổ nói riêng khỏe mạnh, bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu: vitamin C, D, E, K, beta carotene, chất béo không bão hòa omega-3; bioflavonoid...

Hạn chế thuốc lá, rượu bia

Nhiều người tìm đến rượu bia, thuốc lá như một phương pháp để giải tỏa áp lực trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, đây là những nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ thoái hóa xương khớp, gây rối loạn điện giải, làm mất nước khiến cho dịch khớp không đủ bôi trơn. Vì thế, bạn nên tránh xa rượu bia và thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tổng thể, cũng như sức khỏe xương khớp.

Bác sĩ Hồng Ánh khuyến cáo, dù là một bệnh phổ biến nhưng mọi người không nên chủ quan, vì thoái hóa đốt sống cổ có thể mang đến những biến chứng rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Các biến chứng có thể kể đến như làm giảm lượng máu lưu thông đến não gây chóng mặt, đau đầu, buồn nôn...; khi tủy sống bị chèn ép, người bệnh sẽ có biểu hiện tê bì, yếu các khớp vai và lan dần xuống hai cánh tay, bàn tay, khó phối hợp với phần thân dưới... Ở mức độ nặng, người bệnh có nguy cơ bị rối loạn tiểu tiện, liệt một hoặc cả hai tay.

Vì thế, mọi người nên chủ động ngăn ngừa, tầm soát bệnh lý này bằng cách thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường.

Theo vnexpress.net