Thứ 6, 03/05/2024, 06:37[GMT+7]

Một số thói quen sinh hoạt dễ gây tai biến, đột quỵ: Những thay đổi nhỏ mang lại giá trị lớn về sức khỏe

Thứ 6, 21/07/2023 | 16:11:34
2,092 lượt xem
Có những thói quen trong cuộc sống tưởng chừng như không liên quan gì đến sức khỏe nhưng nếu ta giữ thói quen đó trong một thời gian dài thì rất có thể dẫn đến nguy cơ sinh ra các bệnh nguy hiểm. Nếu khi biết rõ nguồn gốc bệnh sinh, ta chỉ cần thay đổi một số thói quen nhỏ trong sinh hoạt sẽ mang lại giá trị lớn cho sức khỏe bản thân. Các thói quen sinh hoạt không có lợi, dễ gây tai biến, đột quỵ là:

Ảnh minh họa.

1. Thức khuya

* Khi thức khuya, đồng hồ sinh học của tim và mạch máu não bị rối loạn. Điều này có thể làm cho cơ thể tiết ra nhiều hơn chất adrenaline và norepinephrine khiến mạch máu co lại, hạn chế máu lưu thông, đặc biệt là các mạch máu não, nếu co thắt đột ngột, dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ.
Nhiều bạn nói là đã từng thức khuya nhiều nhưng có sao đâu. Thực tế thức khuya quen rồi, cơ thể tự thích nghi, mãi cũng chẳng sao nhưng khi gặp thêm một yếu tố tác động khác kết hợp như: cơ thể yếu, gặp gió lạnh, hoạt động quá sức... mà không may nó sao cho một lần (đột quỵ), thế là mệt cả đời.

* Lắng nghe cơ thể khi thức quá khuya: Giấc ngủ bị đảo lộn không theo giờ giấc sinh lý bình thường; người mệt uể oải, bồn chồn; đầu nhức ong ong; soi gương thấy mắt thâm quầng, các nếp nhăn xuất hiện tăng lên...

* Bạn nên làm gì?

- Hãy đặt chuông điện thoại, tự quy định giờ ngủ nghiêm túc cho bản thân.
- Nếu đến giờ đi ngủ mà thấy khó ngủ thì hãy làm như sau:
+ Day 2 bên huyệt thái dương và chỗ hõm ở 2 bên chân tóc sau gáy (huyệt phong trì).
+ Lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ ôm trọn vào cổ tay bên kia và day xoay tròn quanh cổ tay, sau đó đổi tay day cả hai cổ tay (ở cổ tay 2 bên, đều có huyệt thần môn, xoa day như vậy sẽ làm cho an thần dễ ngủ).
- Cố gắng đừng để rối loạn giấc ngủ kéo dài, sau rất khó điều chỉnh trở về giấc ngủ sinh lý bình thường và sẽ rất mệt mỏi.

2. Tự chuốc căng thẳng mệt mỏi vào thân (stress)

* Có rất nhiều vấn đề cuộc sống bắt ta phải căng thẳng, đáng lẽ ta cứ từ từ, bình tĩnh giải quyết nhưng đôi khi ta lại đổ thêm dầu vào lửa, đẩy sang chấn lên cao hơn, làm cho tinh thần càng trở nên bức xúc quá mức, dễ gây tăng xông, tai biến, đột quỵ.

* Lắng nghe cơ thể khi căng thẳng quá mức: cổ họng uất nghẹn lại, 2 bên thái dương giần giật, mặt đỏ, mắt hoa, đầu căng đau nhức... (bốc hỏa).

* Bạn nên làm gì?

- Nhanh chóng dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái bóp chẹn vào 2 bên cổ họng, phía dưới góc hàm (hạn chế máu từ động mạch cảnh dồn lên não -  làm cho hạ hỏa).

- Mỗi khi căng thẳng, bạn hãy dùng hai tay: xoa, day, véo, gõ lên mặt, mắt, mũi, tai, đầu, cổ gáy một hồi là sẽ thấy thư giãn dễ chịu.

- Hãy dành thời gian tìm đến người bạn tri kỷ mà chia sẻ và xả “rác”.

- Buông bỏ cho vơi đi những bức xúc buồn phiền, tiếp cận với những điều mới mẻ, tích cực hơn.

3. Lười uống nước

* Những người lười uống nước sẽ khiến cơ thể thiếu nước, máu có xu hướng đặc hơn, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ. Đặc biệt vào mùa hè, bạn dễ bị đổ mồ hôi, mất nước nhiều hơn.

* Lắng nghe cơ thể khi lười uống nước (cơ thể thiếu nước): Miệng khô, người háo khát, mệt mỏi, da kém tươi nhuận. Đầu có cảm giác váng vất, có thể hoa mắt chóng mặt.

* Bạn nên làm gì?

- Bạn đừng đợi đến khi khát mới uống nước, mà nên tạo thói quen thỉnh thoảng uống một vài ngụm nước lọc.

- Bạn có thể đặt một cốc nước cạnh giường và uống vài ngụm tầm nửa tiếng trước khi đi ngủ và uống khi thức dậy vào buổi sáng.

(còn nữa)

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc