Thứ 6, 17/05/2024, 14:02[GMT+7]

Nước với cơ thể con người

Chủ nhật, 13/08/2023 | 08:00:17
5,487 lượt xem
Trời đất sinh ra muôn loài cây cỏ, muông thú và có cả con người. Trời đất chỉ sinh ra như vậy thôi và để mặc cho loài nọ nuôi sống loài kia và mỗi loài tự tìm lấy thức ăn riêng cho mình. Chẳng hạn như cây cỏ thì bám vào đất, trâu bò thì ăn cỏ, mèo thì bắt chuột, gà ăn hạt ngũ cốc, con người thì ăn cả rau, ngũ cốc và thịt cá...

Ảnh minh họa.

Duy chỉ có nước thì trời ban chung cho tất cả muôn loài cùng được tận hưởng.Nước không thể thiếu đối với sinh vật trên trái đất, đặc biệt là con người.

Vậy hành trình của nước đi vào cơ thể như thế nào? Mối nguy hại đối với sức khỏe ra sao, khi thừa hoặc thiếu nước? Uống nước như thế nào cho đủ và đúng là những vấn đề chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.

I. HÀNH TRÌNH CỦA NƯỚC TRONG CƠ THỂ

1. Đầu tiên nước đi vào cơ thể qua đường miệng

Chỉ sau khi bạn uống một vài ngụm nước, bộ não đã phát ra tín hiệu cho cơ thể rằng: nước đã được cung cấp vào cho cơ thể. Đây là một cơ chế rất quan trọng, bởi vì phải mất một thời gian dài để nước cung cấp đến các tế bào. Nếu não phát ra tín hiệu muộn sau khi tế bào nhận được đủ nước, thì khi đó cơ thể đã uống lượng nước nhiều hơn nhu cầu thực.
Sự giao tiếp tín hiệu giữa não và miệng cho phép cơ thể ngừng uống vào đúng thời điểm thích hợp.

 2. Nước từ miệng đi qua thực quản

Thực quản là một ống nối với miệng và đi xuống dạ dày qua van tâm vị. Thực quản là nơi bắt đầu quá trình hấp thụ nước vào cơ thể.

 3. Nước từ thực quản xuống dạ dày

- Một người bình thường tiêu thụ trung bình khoảng 2 lít nước trong chế độ ăn uống hàng ngày, thông qua các phương thức khác nhau, bao gồm cả nước uống trực tiếp hoặc qua đồ ăn. Tất cả đồ ăn, thức uống được ủ chứa trong dạ dày.

- Khi nói về sự tiêu hóa/hấp thụ thức ăn, điều đầu tiên bạn nên ghi nhớ là tất cả mọi thứ sẽ đi vào dạ dày qua cùng một tuyến đường là thực quản. Hoàn toàn không có một con đường riêng cho nước, trà hay rượu.

- Giai đoạn tiêu hóa trong dạ dày của bạn, ban đầu tương tự như đưa toàn bộ bữa ăn vào trong một máy xay sinh tố. Dạ dày ủ mềm, nghiền phân cắt thức ăn cùng với nước tạo thành một dịch lỏng giống như cháo nát.

- Tuy nhiên, sự phân hủy đồ ăn uống đã bắt đầu từ trước đó, khi chúng vào miệng được răng nhai và nghiền nát thức ăn theo phương pháp cơ học, trong khi đó nước bọt có sẵn trong miệng phân hủy chất béo và tinh bột bằng phương thức hóa học. Điều này xảy ra đối với thực phẩm rắn có chứa các phân tử lớn, phức tạp, chẳng hạn như thịt, cơm, rau...

- Lượng nước được hấp thụ trong dạ dày nhanh hay chậm một phần phụ thuộc vào lượng thực phẩm đã ăn. Nếu uống nước khi bụng đói, tốc độ hấp thụ nước sẽ nhanh hơn. Trong khi đó, nếu đã ăn nhiều thức ăn trước khi uống nước, tốc độ hấp thụ nước sẽ chậm lại và quá trình hấp thụ có thể mất đến vài giờ.

- Tại dạ dày, nước cùng đồ ăn được ủ mềm, được phân cắt bởi axit và men cùng dịch dạ dày, tạo thành hỗn dịch lỏng đưa xuống tá tràng qua van môn vị. Tại tá tràng nhận dịch mật và dịch tụy rồi xuống ruột non (đông y gọi hỗn dịch này là thủy cốc).
 

4. Nước cùng đồ ăn xuống ruột non

- Ruột non là cơ quan đảm đương nhiệm vụ lọc và hấp thụ nước cùng chất dinh dưỡng (thủy cốc) thẩm thấu vào máu.

- Ruột non với độ dài từ 5 - 9m (trung bình khoảng 6,5m), lòng ruột non rất chun dãn, với diện tích bề mặt bên trong trung bình khoảng 250m2, có thể lên tới 500m2 (tương đương với kích thước của một sân tennis). Diện tích bề mặt ruột non lớn giúp hấp thụ nhanh chóng và hiệu quả nước cùng các chất dinh dưỡng đi vào máu.

Nước cùng chất dinh dưỡng hòa vào dòng máu, đi theo hệ thống các mạch máu vào từng tế bào nuôi dưỡng cơ thể. Nước chiếm phần lớn trong lòng mạch máu (với tổng chiều dài động mạch, tĩnh mạch và mao mạch dài khoảng 96.000km (gấp 2,5 lần chu vi trái đất).

5. Nước cùng với cặn bã từ ruột non đi xuống ruột già

- Ruột già là nơi để tái hấp thụ nước và chất điện giải.
Trong số 90% nước được hấp thụ từ thực quản, dạ dày và ruột non, còn lại 10% nước được chuyển đến và hấp thụ tại ruột già. Chất cặn bã tại ruột già được hút nước, đóng khuôn, tạo phân, chuẩn bị bài tiết ra khỏi cơ thể qua hậu môn.

- Điều này lý giải rằng:

+ Nếu ruột già hấp thụ nước kém, tăng nhu động ruột sẽ dẫn đến tiêu chảy.

+ Nếu ruột già hấp thụ nước mạnh, giảm nhu động ruột sẽ dẫn đến táo bón.

6. Nước và thận

- Thận có tác dụng như một máy lọc nước sạch, lọc bỏ độc tố đào thải qua nước tiểu.

- Toàn bộ lưu lượng máu và nước khi đã hoàn thành nhiệm vụ trao đổi chất tại tế bào thì được thu về hệ thống tĩnh mạch rồi chuyển qua thận để thực hiện chức năng lọc.

+ Những chất có lợi có trong máu cùng nước sạch được lưới lọc thận giữ lại.

+ Những chất độc, chất có hại sẽ được thận đào thải qua nước tiểu ra ngoài.

- Để đào thải độc tố hiệu quả, thận cần có đủ một lượng nước. Nếu thận không nhận đủ nước, có thể dẫn đến các mối lo ngại về sức khỏe bao gồm sỏi thận và các bệnh khác liên quan đến chức năng thận.

- Có một cách mà thận thông báo cho chúng ta biết về việc: cơ thể có đang đủ nước hay không bằng cách, quan sát sự thay đổi màu sắc của nước tiểu từ màu vàng nhạt sang màu vàng sậm (thường thì nước tiểu càng sậm màu, càng nặng mùi thì càng báo hiệu cơ thể bị thiếu nước).

 7. Nước và não

- Nước được máu vận chuyển đến não để cung cấp nước và dinh dưỡng cho các tế bào não. Ở đây nước được sử dụng để duy trì các chức năng của não.

- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không uống nước đủ và đúng cách, mọi người có thể bị suy giảm chức năng ghi nhớ ngắn hạn và các kỹ năng vận động thị giác.

(còn nữa)

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc