Thứ 3, 23/07/2024, 12:24[GMT+7]

Thương mại - sáng màu trong bức tranh kinh tế

Chủ nhật, 03/09/2023 | 07:35:45
1,344 lượt xem
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây kinh tế, lĩnh vực thương mại vẫn có sự phát triển mạnh mẽ trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thương mại khởi sắc còn thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển.

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: 5 năm trở lại đây, hạ tầng thương mại của tỉnh được đầu tư phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại và bao phủ địa bàn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Toàn tỉnh có hơn 200 chợ dân sinh cơ bản đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới phục vụ cho gần 35.000 tiểu thương kinh doanh. Đặc biệt, thời gian qua tỉnh quy hoạch và tập trung thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 14 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn siêu thị cùng hàng trăm cửa hàng tự chọn đang hoạt động với trữ lượng hàng hóa lớn, phương thức kinh doanh văn minh, hiện đại nên hấp dẫn và thu hút nhiều người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

Tốc độ lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua không ngừng tăng. Nhiều thương nhân và người tiêu dùng cho rằng đây là kết quả của quá trình triển khai các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Ý thức tự hào, tự tôn dân tộc trong việc tiêu dùng của người dân được nâng lên tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước có đầu ra ổn định ngay tại thị trường nội địa. Bản thân các doanh nghiệp cũng ý thức hơn trong việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý để chinh phục và kích thích người tiêu dùng mua sắm. Sở Công Thương xây dựng được 6 điểm bán hàng Việt Nam cũng tạo ra những địa chỉ mua sắm tin cậy cho người dân.

Go! - một trong những trung tâm thương mại hiện đại tại Thái Bình.

Các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, giá cả, bình ổn thị trường, đồng thời các cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng cũng góp phần để thương mại tăng trưởng mạnh. 

Bà Lục Thị Dương, Giám đốc siêu thị Go Thái Bình cho biết: Sau gần 2 năm hoạt động tại Thái Bình, chúng tôi thấy thị trường cung cầu luôn có sự cân đối, ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động hiệu quả. Nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm, bên cạnh đa dạng mặt hàng, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại như giảm giá từ 15 - 30%, tặng quà tri ân, mua hàng tích điểm thưởng quy đổi ra tiền... Số lượng khách hàng đến siêu thị tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm.

7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 39.263 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 34.399 tỷ đồng, tăng 16,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.780 tỷ đồng, tăng 33,1%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 53,1 tỷ đồng, tăng 2,1 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.031 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu thương mại nội địa duy trì mức tăng trưởng hơn 17% thì xuất khẩu hàng hóa của tỉnh những tháng đầu năm nay cũng đạt kết quả rất ấn tượng với mức tăng 6,3% trong bối cảnh chung xuất khẩu của cả nước giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết: Kết quả xuất khẩu đã phản ánh chất lượng, mẫu mã hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu của đa dạng các thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh rất năng động, linh hoạt và nhạy bén trong việc xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường. Từ đầu năm đến nay, thị trường EU truyền thống chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh gặp khó khăn, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xoay trục, tìm kiếm được nhiều đơn hàng xuất khẩu tại thị trường khác như châu Á đạt 760 triệu USD, chiếm 52,4%, châu Mỹ đạt 417 triệu USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, hàng hóa Thái Bình vẫn thâm nhập được vào nhiều thị trường quốc tế bởi các hiệp định thương mại FTA mang lại sức cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức liên tục trong 2 năm qua bắt đầu mang lại hiệu quả. Hàng chục dự án lớn, trong đó có nhiều dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh đã hoàn thành xây dựng, bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh cũng đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh.

Để giữ nhịp tăng trưởng cho thương mại của tỉnh những tháng cuối năm, ngành công thương đang triển khai đồng bộ 8 giải pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lựa chọn và xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát huy hiệu quả của các hội nghị kết nối cung cầu, phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước. 

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các FTA để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá, tăng sản lượng tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng lưu chuyển hàng hóa.

Cung cầu cân đối, giá cả ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi mua sắm hàng hóa.

Hà Thanh