Chủ nhật, 28/04/2024, 13:02[GMT+7]

Kho báu hỗ trợ sức khỏe của người cao tuổi và câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra”

Thứ 6, 03/11/2023 | 08:44:16
1,046 lượt xem

Ảnh minh họa.

HẠN CHẾ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI ĐỐI VỚI NHỮNG MÓN ĐỒ ĐỂ DÀNH

Khá nhiều người cao tuổi thường bị quên đi thói quen: kiểm tra hạn sử dụng (date) của các món đồ ăn thức uống, đôi khi kể cả thuốc.

Đa số người cao tuổi, mắt đã đến lúc nhìn gà hóa cuốc, nhìn một thành ra hai, ba; ngược lại thì các nhà sản xuất hàng hóa họ rất ranh mãnh, cho in hạn sử dụng (date) vào một nơi khá kín đáo, loạn màu sắc, chữ số nét đứt gãy, ngày tháng năm rất mờ ảo, viết tắt... nên các cụ chả còn biết lối nào mà lần.

Thực ra người cao tuổi vẫn luôn nhớ đến các món đồ để dành trong kho báu, họ chờ cho lúc vắng người thì lặng lẽ mở khóa tủ, lục từng món đồ ra ngắm nghía, xong rồi lại xếp vào một cách rất lộn xộn.

MỐI NGUY HIỂM ĐỐI VỚI CÁC MÓN ĐỒ ĐỂ DÀNH
Tất cả các đồ ăn thức uống, kể cả là quý nhất, bổ nhất cũng đều có thời hạn nhất định. Nếu quá thời hạn thì nó tự chuyển hóa sang một dạng khác, không còn tác dụng bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe nữa, mà nó còn gây ra tác hại nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Những đồ ăn thức uống có giữ được chất lượng an toàn hay không là phụ thuộc vào cách bảo quản như: thời gian, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, áp suất và độ kín... Nếu không đậy kín sản phẩm đồ ăn uống, sẽ gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, lên men chua, sinh hơi, sinh mốc thối, làm biến chất, gây độc hại, gây ung thư...

LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI CAO TUỔI, CÓ ĐỒ ĂN UỐNG QUÝ, BỔ, ĐỂ DÀNH
1) Có quà biếu, có của để dành thì:
Nên bỏ ra mà dùng những thứ phù hợp với sức khỏe và bệnh tật của mình.
Nếu không dùng thì cho người thân, bạn bè, người nghèo xài đỡ coi như là làm phước, trước khi hết hạn.

2) Thường xuyên đọc câu thần chú để mở cửa kho báu, kiểm tra hạn sử dụng của các món đồ ăn thức uống để dành.
Nếu mắt kém thì nhờ con cháu đọc hộ xem hạn sử dụng (date), chứ đừng để đến lúc vứt đi rồi lại tiếc của.
Nếu không muốn để lộ kho báu cho con cháu biết, thì lấy ra từng thứ một mà nhờ chúng kiểm tra giúp.

3) Những thứ đã mất nhãn, không còn biết chắc chắn nó là cái gì cũng đừng có tiếc, dùng vào rồi (kính chẳng bõ phiền) thì khổ. Tốt nhất là bỏ.

4) Những thứ đã mất mùi thơm, sinh hơi, sinh chua, sinh váng, mùi hôi thối, nấm mốc, mối mọt, đổi màu khác lạ thì tuyệt đối đừng có dùng, đừng có cho ai, ắt là sẽ rước họa vào thân. Nhất thiết phải đổ bỏ.

5) Tuy là những đồ quý đồ bổ, nhưng không phải nó quý nó bổ đối với tất cả mọi người.
Vì đa số người cao tuổi thường hay có các bệnh mãn tính khác nhau, cho nên khi dùng các đồ quý bổ, nhất thiết phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nhất là đã để dành từ lâu.
Đặc biệt lưu ý đến các tác dụng phụ, xem có ảnh hưởng liên quan tới bệnh mãn tính của mình hay không, có ảnh hưởng tương tác đến những loại thuốc chữa bệnh mình đang dùng hay không?

6) Có những loại đồ quý đồ bổ ngâm tẩm, không có hướng dẫn sử dụng cụ thể, tốt nhất là hỏi và xin tư vấn của các bác sĩ đông y có kinh nghiệm.

Chúc tất cả những người cao tuổi hãy bảo vệ sức khỏe, giữ cẩn thận kho báu của mình và luôn nhớ câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra”.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc