Chủ nhật, 28/04/2024, 18:23[GMT+7]

Chợ Tết quê tôi

Thứ 4, 29/01/2014 | 08:07:06
2,218 lượt xem
Tết thường bắt đầu từ những phiên chợ tết. Thật vậy, với những người quê tôi, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Tết thì mùa xuân năm ấy dường như không còn trọn vẹn dù nắng vẫn ấm, lá vẫn xanh và mai, đào vẫn đua nhau khoe sắc. Không biết tự bao giờ, chợ tết đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân quê mỗi dịp Tết đến, Xuân về, như một nét lãng mạn không thể thiếu của văn hóa làng.

Khép lại năm cũ
Chợ Ðọ (xã Ðông Sơn, Ðông Hưng) vào ngày cuối cùng của năm cũ mọi lối đi đều đông đúc, chật ních từ người già đến người trẻ, đầy đủ gái, trai khiến bất cứ ai ở đó đều có cảm giác người người, nhà nhà đổ xô đi chợ tết. Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi sáng ngày tất niên những năm trước, khi còn đang cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp đã nghe tiếng mẹ gọi dậy đi chợ. Nếu như vào những ngày bình thường, mẹ phải rất khó khăn mới lôi tôi ra khỏi cái “ổ tò vò” ấm áp ấy thì hôm nay, chỉ cần nghe thấy hai tiếng “chợ Tết” đã khiến tôi bật dậy như chiếc lò xo…

Chợ Ðọ là chợ phiên, cứ 5 ngày chợ lại họp một lần, thường là vào ngày 5, ngày 10… hàng tháng. Ngày thường chợ cũng rất đông bởi chợ quê tôi không chỉ là nơi tụ họp, mua bán của người dân trong xã mà còn nhiều xã lân cận như Ðông La, Ðông Phương, Ðông Cường, Phú Lương…, thậm chí tiểu thương của huyện khác cũng thường xuyên buôn bán tại đây. Ngày thường đã vậy, ngày giáp Tết chợ lại càng đông hơn.

Mọi người đến với chợ Tết không phải vì cái vẻ bề ngoài náo nhiệt, bởi những trung tâm thương mại hay siêu thị ở thành phố còn náo nhiệt hơn rất nhiều, song họ vẫn cố gắng thu xếp về quê thật sớm để kịp đi phiên chợ cuối năm. Cái mà những người con xa quê tìm kiếm cũng như những người sống ở quê hương gìn giữ trong mỗi phiên chợ cuối năm không hẳn là những mặt hàng truyền thống mà là những giá trị văn hóa tinh thần nghìn đời của dân tộc. Bên cạnh các hoạt động mua bán nhộn nhịp, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nụ cười rạng rỡ khi được gặp lại người quen, những lời hỏi han về tình hình sức khỏe, công việc trong năm qua, xen lẫn là những lời hẹn hò của các nam thanh nữ tú…, tất cả đã tạo nên những giá trị rất riêng mà chỉ chợ tết mới có được.

Mỗi lứa tuổi đến với chợ tết đều có một đích riêng. Trẻ con đi theo mẹ để mong được mẹ mua cho quần áo mới, được thả sức ngắm bóng bay và những hàng đồ chơi bày la liệt. Người lớn thì tất bật mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho ngày tết. Người mua, kẻ bán vẫn ồn ã “mặc cả” nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi, có lẽ năm hết, Tết đến, ai cũng muốn mua bán thật nhanh để sớm được về nhà chuẩn bị mâm cơm tất niên. Sôi động nhất chợ là khu vực hàng hoa. Những hàng hoa san sát với muôn hoa khoe sắc, từng tốp thanh niên tụ tập, lạ có, quen có, trò chuyện rôm rả, trên tay mỗi người đều có một bó hoa tươi để về trang trí Tết. Họ tìm đến chợ Tết giống như một cuộc du Xuân đầy thú vị. So với ngày thường, chợ Tết kết thúc muộn hơn, thường thì quá trưa và dư âm của nó khiến người ta nhớ mãi.

Khởi đầu năm mới
Nếu như phiên chợ Ðọ vào ngày tất niên khép lại một năm cũ thì buổi chợ đầu Xuân họp vào ngày mùng 3 Tết mở ra một năm mới đầy may mắn. Chợ đầu Xuân hay thường được gọi là chợ Ðầu được họp vào đúng một ngày duy nhất, tại một địa điểm không phải là chợ mà là ở Ðình làng Ðông (Ðình thôn Ðông). Các cụ cao niên trong làng không nhớ rõ chợ có từ bao giờ song có thể khẳng định rằng đây là một đặc trưng văn hóa rất riêng của địa phương. Những mặt hàng bày bán ở chợ Ðầu cũng khác hẳn với phiên chợ cuối năm. Thay vì những lá dong, thịt lợn hay củ, quả…, chợ đầu Xuân bày bán đa số là rau tươi và rất nhiều cá. Người người đổ xô đi chợ từ rất sớm để chọn mua những mớ rau, con cá tươi ngon nhất về chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông bà, tổ tiên sau 3 ngày ăn tết cùng con cháu.

Mặc dù bày bán nhiều thực phẩm song chợ Xuân đầu năm không vì thế mà thiếu đi không gian riêng cho giới trẻ. Các cửa hàng bán vật phẩm lưu niệm dựng kề nhau liền một dãy lấp lánh với hàng tá đồ trang sức cùng những con vật nhỏ bé, xinh xắn, đâu đó thấp thoáng những chú tò he ngộ nghĩnh... là nơi thu hút giới trẻ. Trẻ em thì như bị hút hồn, đứng vây quanh các cột bóng bay đủ màu sắc, hình dạng, luôn miệng nhõng nhẽo đòi người lớn mua.

Ðiểm đặc biệt của chợ Ðầu là ít tiếng “mặc cả” hơn so với phiên chợ cuối năm bởi ai cũng muốn mua bán nhanh chóng, thuận lợi để lấy may cho cả năm, do vậy người bán cũng ít nói thách còn người mua vì thế cũng không “cò kè bớt một thêm hai” quá nhiều. Nếu như ở phiên chợ cuối năm, người ta hỏi nhau nhiều về tình hình sức khỏe, công việc trong năm qua thì trong phiên chợ đầu Xuân là những lời chúc mừng năm mới nhiều may mắn, kèm theo lời thăm hỏi “Năm nay, gia đình ăn Tết có to không?”.

Trong sự hối hả, bận rộn của cuộc sống, chợ Tết giúp mỗi người tìm lại nét văn hóa riêng mà bao thế hệ đã gìn giữ, vun đắp. Chính những điều này đã làm nên giá trị văn hóa của chợ Tết đồng thời khẳng định: những giá trị truyền thống quý báu sẽ trường tồn cùng với sự đổi mới đi lên của quê hương, đất nước.

Anh Đào

 

 

  • Từ khóa