Thứ 3, 21/05/2024, 21:25[GMT+7]

Nghệ nhân múa rối nước Nguyên Xá

Thứ 2, 26/05/2014 | 09:05:03
3,274 lượt xem
Ở tuổi 90, dáng đi lòng khòng, đôi chân bước chậm chạp nhưng nước da hồng hào, mái tóc, chòm râu bạc trắng, cử chỉ, giọng nói bình tĩnh nhẹ nhàng tôi thấy ở ông hình ảnh một lão nông hiền lành, phúc hậu. Ông là nghệ nhân múa rối nước Nguyễn Hữu Ngữ - một trong những người có nhiều công lao khôi phục, duy trì nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá (Ðông Hưng).

Nghệ nhân múa rối nước Nguyễn Hữu Ngữ (xã Nguyên Xá, Đông Hưng).

 

Sinh ra trong một gia đình nhiều đời gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống múa rối nước, ngay từ khi mới 7, 8 tuổi, ông Ngữ đã rất yêu thích các quân rối. Ông thường theo cha đi xem các diễn viên trong phường múa rối biểu diễn những tích trò phục vụ nhân dân trong xã, trong vùng. Trong những lần đi ấy, với ước muốn một ngày nào đó sẽ tự tin làm chủ các quân rối, trở thành diễn viên chính của phường, ông Ngữ chăm chú quan sát  các diễn viên trong phường rối diễn và làm theo.

 

Ðược sự truyền dạy của người cha, năm 16 tuổi, ông Ngữ đã thông thạo cách điều khiển quân rối, các tích trò của phường múa rối và trở thành diễn viên chính của phường. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngữ cho biết: “Múa rối nước là môn nghệ thuật dân gian gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Các trò diễn hướng tới việc thể hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân nông thôn.

 

Cùng với chèo làng Khuốc (xã Phong Châu), múa rối nước ở Nguyên Xá được xem là “đặc sản” văn hóa của Ðông Hưng nói riêng và của Thái Bình nói chung nên thuở trước các cụ chỉ truyền dạy cho con cái trong gia đình. Nhưng từ năm 1990, nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của quê hương, những nghệ nhân múa rối nước đã không còn “giấu nghề”, tích cực truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

 

Ông Ngữ kể cho tôi nghe về một giai đoạn khủng hoảng và vực dậy của rối nước Nguyên Xá. Khoảng năm 1987, đất nước bắt đầu bước vào công cuộc Ðổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, chế độ bao cấp bị xóa bỏ, nguồn kinh phí trang trải cho các phường múa rối ở Nguyên Xá không còn, quân rối, nhạc cụ  biểu diễn được đưa vào nhà kho. Múa rối nước Nguyên Xá vang bóng một thời đứng trước thực trạng hơn 2 năm không có một buổi trình diễn. Quân rối bị mối mọt, nhạc cụ bị mất. Ông Ngữ và những người có tâm với nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá vô cùng trăn trở, đau đáu muốn khôi phục, gìn giữ lại nét đẹp văn hóa ông cha để lại.

 

Cuối năm 1990, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, một phường rối mới được thành lập với 20 thành viên do ông Ngữ làm trưởng phường. Các nghệ nhân trong phường tiến hành mua gỗ sung đục quân rối, làm thủy đình, lắp máy điều khiển quân rối, mua sắm máy phát điện và tiến hành tuyển chọn diễn viên mới. Lúc này, đối tượng diễn viên mà ông trưởng phường Nguyễn Hữu Ngữ hướng tới không phải là con em trong gia đình mà là những thanh niên trong xã ở độ tuổi từ 20 – 25, khỏe mạnh, dẻo dai, chịu được lạnh và nhất là có năng khiếu với nghệ thuật múa rối nước và đam mê văn hóa truyền thống.

 

Dưới sự hướng dẫn của ông Ngữ và một số diễn viên trong phường rối, hơn 10 diễn viên mới nhanh chóng nhập cuộc. Chỉ sau một thời gian ngắn, với ý thức giữ nghề, truyền dạy tất cả những tinh hoa của múa rối nước Nguyên Xá cho thế hệ trẻ của người dạy và tinh thần say mê với nghệ thuật biểu diễn trên mặt nước của người học, các diễn viên mới trong phường rối đã biểu diễn thành công các tích trò.

 

Năm 1992, với việc đạt Huy chương vàng trong Liên hoan Múa rối nước Thái Bình lần thứ nhất, phường rối nước Nguyên Xá đã thực sự khẳng định lại chỗ đứng trong tỉnh. Từ đây, dưới sự chỉ đạo của ông trưởng phường  Nguyễn Hữu Ngữ, phường rối xã Nguyên Xá đã thường xuyên đi biểu diễn phục vụ nhân dân các thôn trong xã, các xã trong tỉnh, biểu diễn phục vụ các lãnh đạo Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, tham dự liên hoan múa rối nước toàn quốc luôn đạt huy chương vàng, bạc và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

 

Năm 2002, ông Ngữ và một số nghệ nhân trong phường được Cục Nghệ thuật biểu diễn tin tưởng mời  phối hợp đào tạo 15 diễn viên múa rối nước trẻ. Sau 15 ngày, tất cả các diễn viên trẻ đều điều khiển được quân rối, diễn được các tích trò của múa rối nước và được Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá cao. Hiện nay, phường múa rối nước của xã Nguyên Xá vẫn duy trì hoạt động tốt, ông Ngữ mặc dù tuổi cao không đi biểu diễn múa rối nước nhưng mỗi khi các thế hệ trẻ đến học hỏi kinh nghiệm  ông Ngữ lại tận tình chỉ dạy.

 

Với những đóng góp cho việc gây dựng và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước, nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngữ vinh dự được Bộ Văn hóa Thông tin tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình tặng Giấy khen vì đã có thành tích góp phần bảo lưu nghệ thuật múa rối nước tại địa phương.

Quỳnh Thanh

 

  • Từ khóa