Thứ 5, 16/01/2025, 04:04[GMT+7]

Chống lạm thu tại trường học: Hiểu đúng, làm đúng, công khai, minh bạch Kỳ 3: Minh bạch, quyết liệt từ người đứng đầu

Thứ 6, 21/10/2022 | 08:06:50
5,901 lượt xem
Một trong những nguyên nhân khiến lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm đó là do sự thiếu minh bạch, chưa cụ thể hóa các khoản thu, chi trong nhà trường và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều đó khiến không ít phụ huynh không phân biệt được đâu là khoản thu bắt buộc, đâu là khoản tự nguyện. Để chấn chỉnh lạm thu và phòng, chống “tái phát”, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu.

Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non Nam Thanh (Tiền Hải) không kêu gọi đóng quỹ hội phụ huynh.

Giám sát chặt chẽ

Có thể thấy một số năm trở lại đây tình trạng lạm thu tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế bởi một mặt các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý có sự chấn chỉnh kịp thời, hiệu trưởng các trường đã quán triệt quyết liệt việc thu - chi. Mặt khác, cơ sở vật chất trường lớp đã nhận được đầu tư từ ngân sách nhà nước nên các trường gần như không phải thực hiện khoản thu nào có thể bị lợi dụng để lạm thu... Tuy nhiên, khoản thu dễ xảy ra lạm thu nhất lại do ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi đóng góp. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, nhất là việc lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản, trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình và một số văn bản quan trọng khác. Cùng với đó, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các khoản thu. Đặc biệt, xem xét, xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng lạm thu tại cơ sở giáo dục do mình quản lý.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Hiển, các cơ sở giáo dục đang khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, các đơn vị liên quan để triển khai việc thu học phí, giá dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thực hiện thu - chi tài chính giữa phụ huynh học sinh và nhà trường bằng giao dịch điện tử cũng nhằm công khai, minh bạch các khoản thu, hạn chế lạm thu.

Tại Tiền Hải, qua việc kiểm tra đột xuất các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kịp thời nhắc nhở một số trường thực hiện đúng quy trình theo các văn bản hướng dẫn, trong đó đặc biệt chú trọng việc công khai các khoản thu và thực hiện thu khi có sự thống nhất của 100% phụ huynh học sinh, bảo đảm nguyên tắc thu đúng và chi đúng mục đích. Đối với việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục có nhu cầu thực hiện đúng các bước theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phòng giao trách nhiệm cho lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cấp học đến kiểm tra, thẩm định và tham mưu phê duyệt khi đủ điều kiện. 

Ông Lương Chiến Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Đến thời điểm này, chưa có trường nào trên địa bàn huyện nộp hồ sơ xin thực hiện xã hội hóa giáo dục. Đối với các khoản thu do ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi đóng góp, chúng tôi yêu cầu các trường báo cáo Phòng, bao gồm cả biên bản làm việc, dự trù kinh phí chi và các bước thực hiện thu theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Qua kiểm tra tình hình thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện không phát động thu quỹ hội phụ huynh; một số trường có thu nhưng thu rất thấp và mục đích chỉ phục vụ cho việc học tập của học sinh.

Ngăn ngừa tái phát “bệnh” lạm thu

Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều chỉ đạo để khắc phục tình trạng lạm thu nhưng thực tế không dễ “điều trị căn bệnh” này. Vẫn có những trường hợp thu - chi sai quy định gây bức xúc trong xã hội. Điều đó cho thấy, khi những “đầu tàu” không gương mẫu, không thực hiện đúng nguyên tắc thu - chi thì chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu. Chính vì vậy, việc chống lạm thu cần bắt đầu và quán triệt quyết liệt từ người đứng đầu. Nếu hiệu trưởng, ban giám hiệu thiếu nghiêm túc sẽ không thể nhắc nhở được giáo viên thực hiện đúng quy định. Mặt khác, khi giáo viên không được định hướng đúng đắn sẽ tạo điều kiện cho ban đại diện cha mẹ học sinh thu - chi các khoản không hợp lệ dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa.

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Yêu cầu thực hiện đúng quy chế hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường cũng là một cách để giảm lạm thu. Kiên quyết không để tình trạng ban đại diện đứng ra thu hoặc trường “nhờ” thu giúp. Tất cả các khoản thu đều phải thông qua các bước: Họp, công khai, tiếp thu ý kiến phản hồi và trả lời đầy đủ, cụ thể, đặc biệt không được né tránh khi cha mẹ học sinh hoặc dư luận xã hội phản hồi. Tại huyện Thái Thụy, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn bộ nếu xảy ra tình trạng lạm thu hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh thu - chi không đúng quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh và nhân dân biết được khoản thu nào bắt buộc, khoản thu nào thỏa thuận.

Tại thành phố Thái Bình, UBND thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng quyết liệt trong chấn chỉnh thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Ngoài việc ban hành các văn bản, chúng tôi còn tổ chức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các khoản thu. Bên cạnh đó, khi nhận được ý kiến phản hồi của cha mẹ học sinh hoặc người dân về việc thu không đúng quy định của cơ sở giáo dục, lãnh đạo Phòng đã trực tiếp đến cơ sở giáo dục để nắm bắt, kiểm tra. Qua đó cho thấy hầu hết các cơ sở giáo dục đã thực hiện thu theo đúng quy định, tuy nhiên ban giám hiệu một số cơ sở giáo dục chưa nắm bắt được hết các khoản thu do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đứng ra kêu gọi, vì vậy chưa có hình thức nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, do đó vẫn còn những ý kiến phản hồi của cha mẹ học sinh. Đối với những cơ sở giáo dục trên, chúng tôi đã nhắc nhở ban giám hiệu, nhất là hiệu trưởng phải sát sao hơn nữa trong việc giám sát, hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2022 - 2023 đã bắt đầu được hơn 1 tháng, tháng 10 là thời điểm nhiều trường đang thực hiện các khoản thu. Để mỗi người dân đặt trọn niềm tin vào các cơ sở giáo dục, cùng với quản lý tốt việc thu - chi tại các trường rất cần sự giám sát chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý giáo dục, UBND các cấp. Có như vậy, lạm thu mới có thể giải quyết dứt điểm.


Nhóm phóng viên