Thứ 3, 06/08/2024, 07:17[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 8)

Thứ 6, 21/10/2016 | 10:17:27
1,715 lượt xem

Dịch vụ ăn uống vỉa hè thu hút khách song do là cơ sở lưu động, mùa vụ nên khó kiểm soát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

(Tiếp theo và hết) 

 

Bài 8: an toàn thực phẩm nơi ăn uống đông người 

 

Không quản lý bằng niềm tin 

 

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng trong việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) mà các ngành chức năng đã đẩy mạnh thực hiện thời gian gần đây. Song những con số được báo cáo, những vụ việc vi phạm ATTP được phát hiện qua các đợt kiểm tra, giám sát vẫn chỉ là tảng băng nổi. Nhiều người cho rằng chất lượng ATTP, đặc biệt là ATTP tại nơi ăn uống đông người hiện đang được cả người tiêu dùng và cơ quan chức năng quản lý bằng niềm tin.

 

Trông chờ “người sản xuất có lương tâm”

 

Với gần 100% trường mầm non, gần 30% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tổ chức ăn bán trú cho học sinh, phần đông các công ty, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh tổ chức ăn trưa cho công nhân, mô hình “gia đình một bữa cơm tối” đang tăng nhanh không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn, điều này đồng nghĩa chúng ta đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào các bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đến tháng 4/2016, toàn tỉnh có 3.498 cơ sở dịch vụ ăn uống, phần lớn là cơ sở vừa và nhỏ, trong đó chỉ có 106 cơ sở cấp tỉnh quản lý, còn lại cấp huyện quản lý 1.633 cơ sở, cấp xã quản lý 1.759 cơ sở. Thành phố Thái Bình là nơi có nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống nhất với 797 cơ sở.

 

Ông Lê Văn Diện, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phân tích: Các cơ sở tổ chức ăn uống tập trung là những nơi nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm vệ sinh, ý thức thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến kém và một yếu tố quan trọng là số lượng người ăn uống cùng lúc nhiều, đòi hỏi lượng nguyên liệu đầu vào lớn, vì vậy khó bảo đảm các điều kiện ATTP. Theo quy định về quản lý ATTP hiện nay, một trong những quy định quan trọng, bắt buộc là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể phải thực hiện hợp đồng cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, ngoài số ít các cơ sở dịch vụ ăn uống lớn thuộc cấp tỉnh quản lý bảo đảm được quy định này, đối với số cơ sở vừa và nhỏ hầu hết chưa thực hiện hợp đồng cung cấp thực phẩm. Bà Trần Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình cho rằng việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào của hệ thống dịch vụ ăn uống còn gặp nhiều khó khăn là do các cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc. Trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra, giám sát, phần đông các cơ sở vẫn mua thực phẩm tại các chợ và các cơ sở quen thuộc, chưa có hợp đồng cung cấp thực phẩm... Không có hợp đồng mua bán thực phẩm sẽ khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm đầu vào, khi xảy ra ngộ độc cũng không thể truy xuất nguồn gốc.

 

Mặc dù số lượng người đang phải phụ thuộc và phụ thuộc thường xuyên vào các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống ngày càng tăng song công tác quản lý, giám sát chất lượng ATTP tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống hiện nay chủ yếu vẫn đang được thực hiện bằng các biện pháp “mềm” như thẩm định cấp phép (đối với các cơ sở cấp tỉnh và cấp huyện quản lý), ký cam kết (đối với cơ sở cấp xã quản lý), đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật về ATTP còn hoạt động kiểm tra được thực hiện rất hạn chế. Với 106 cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc cấp tỉnh quản lý, riêng năm 2015, trung bình số lượt kiểm tra được thực hiện đối với một cơ sở là 1,28 lượt/năm; con số này đối với cấp huyện là 0,59 lượt/cơ sở/năm và cấp xã là 1,07 lượt/cơ sở/năm. Được kiểm tra từ 0,59 lần - 1,28 lần/ cơ sở/năm, trong khi mỗi năm có tới 365 ngày, vì vậy, công tác giám sát ATTP đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống hiện nay có thể nói vẫn đang chủ yếu trông chờ vào lương tâm của nhà sản xuất.

 

Cần những giải pháp mạnh

 

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về việc phát hiện các vụ việc tuồn thực phẩm bẩn vào bếp ăn tập thể, thậm chí là tuồn thực phẩm bẩn vào bếp ăn trường học. Tại Thái Bình, mặc dù chưa phát hiện các vụ việc như trên song theo số liệu của Công an tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường đã, phát hiện 32 vụ vi phạm ATTP, tiêu hủy gần 2 tấn thực phẩm bẩn. Về việc quản lý thực phẩm đầu vào tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, lãnh đạo và cả nhân viên y tế chuyên ngành ATTP nhận định, với đội ngũ cán bộ ít trong khi số cơ sở đông, nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, việc kiểm soát ATTP, đặc biệt là thực phẩm đầu vào là việc thực sự khó khăn. Trong các đợt kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, chưa khi nào phát hiện được thực phẩm bẩn trong bếp ăn của các cơ sở tập trung, bởi nếu có các cơ sở sản xuất đã có trăm phương nghìn kế để giấu loại thực phẩm này. Ngoại trừ các đợt kiểm tra định kỳ có thông báo trước, còn lại việc kiểm tra đột xuất hay chuyên ngành đều rất khó thực hiện vì các đoàn kiểm tra ít nhận được sự hợp tác của chủ các cơ sở.

 

 

Học sinh ăn bán trú, các bậc phụ huynh gửi trọn niềm tin ở nhà trường.

 


Nầm nướng, chân gà nướng, thịt mèo… là những món ăn được nhiều “thượng đế” ưa dùng. Nhưng sau các cuộc nhậu say sưa, các “thượng đế” giật mình tự hỏi: Nguồn thực phẩm ấy ở đâu ra trong khi mỗi con gà chỉ có một đôi chân, thực tế nuôi mèo trong hộ gia đình rất thưa thớt?. Ngày 18/8/2016, tại Kiến Xương, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 2 đối tượng vận chuyển 450kg thịt mèo đông lạnh đã qua sơ chế và không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch và chứng minh nguồn gốc thực phẩm, số thực phẩm trên đã bị tiêu hủy. Đây là một trong những ví dụ điển hình lý giải cho câu hỏi mà lâu nay chúng ta vẫn băn khoăn. Trong các đợt kiểm tra năm 2015, kể cả đối với các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP vẫn còn hơn 20% cơ sở không đạt yêu cầu bảo đảm ATTP.

 

Thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn mỗi gia đình nếu bà nội trợ không tinh mắt và càng có cơ hội nhiều hơn để có mặt trong bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ  ăn uống nếu gặp các nhà kinh doanh thiếu lương tâm. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, cấp giấy chứng nhận, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, người kinh doanh, cần những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để bảo đảm ATTP nhằm bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.

 


 

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế

 

Trên thực tế, nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm về ATTP của người sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và không bảo đảm ATTP cũng chưa được thực hiện chặt chẽ. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

 

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư

 

Hạn chế lớn nhất trong công tác bảo đảm ATTP của huyện hiện nay là kiến thức chuyên môn, nhận thức pháp luật của người dân nói chung và của các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế dẫn đến tình trạng “làm liều”. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về bảo đảm ATTP chưa kịp thời. Vì vậy, huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP, chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo tăng cường thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Một trong những hoạt động được huyện chỉ đạo phải tích cực thực hiện đó là thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP.

 

Bà Trần Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình

 

Để thực hiện tốt việc quản lý chất lượng ATTP hiện nay, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp, phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong việc giám sát bảo đảm ATTP. Đặc biệt, phải có cơ chế tài chính phù hợp, đầu tư nguồn kinh phí cho công tác kiểm nghiệm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn, đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị phục vụ kiểm tra ATTP... Điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm ATTP bảo đảm đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm và phải xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm.

 


 

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa