Thứ 3, 06/08/2024, 09:18[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 6)

Thứ 4, 19/10/2016 | 08:29:42
1,130 lượt xem

Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ, tiêu hủy 403kg thịt lợn bẩn ngày 14/9/2016.

 

Bài 6: Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái

 

“Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như bây giờ” là nhận xét của rất nhiều người tiêu dùng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt song thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn vẫn xuất hiện ngoài thị trường. Do đó, người tiêu dùng hãy tự nâng cao ý thức cảnh giác, tẩy chay với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần cùng các cơ quan chức năng nói không với thực phẩm bẩn.

 

Chỉ như “chuồn chuồn đạp nước”

 

Theo ông Trần Xuân Nhuệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), nếu không có sự thay đổi về luật trong việc xử phạt các đối tượng vi phạm và trang bị thêm phương tiện cho lực lượng QLTT thì cuộc chiến nói không với thực phẩm bẩn sẽ chỉ như “chuồn chuồn đạp nước” bởi tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, trong khi lực lượng QLTT vừa thiếu lại vừa yếu. Đơn cử như khi lực lượng QLTT muốn kiểm tra phải thực hiện theo chế độ báo trước, chỉ được phép kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, các đối tượng sẽ có thời gian tẩu tán, cất giấu tang vật vi phạm. Thậm chí việc xé nhỏ hàng hóa để không đủ số lượng bị xử lý hình sự, chỉ có thể bị thu hồi và xử phạt hành chính, trong khi mức xử phạt hành chính không cao so với lợi nhuận cũng sẽ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Mặt khác, cơ quan QLTT không đủ khả năng điều tra trinh sát, nắm bắt đối tượng do lực lượng quá mỏng, địa bàn lại rộng. Cùng với đó là việc không có kinh phí hỗ trợ cho anh em làm việc ngoài giờ, nhất là vào ban đêm, trong khi các đối tượng chủ yếu vận chuyển, buôn bán sản phẩm vào ban đêm nên rất khó cho công tác điều tra trinh sát. Về chất lượng hàng hóa, để phát hiện sản phẩm có an toàn hay không buộc phải lấy mẫu kiểm định song việc lấy mẫu lại gặp nhiều khó khăn như người lấy mẫu phải được đào tạo chuyên ngành lấy mẫu và được cấp chứng chỉ; chi phí kiểm định cao, thiếu kinh phí cho lấy mẫu kiểm định, thời gian kiểm định lâu, không có kho bảo quản hàng hóa nên việc xử lý thiếu tính kịp thời. Do đó, việc phát hiện các vụ vi phạm về thực phẩm có sử dụng chất bảo quản, chất cấm hoặc kém chất lượng còn rất hạn chế.

 

Cần xử lý tận gốc vấn đề

 

Bà Bùi Thị Lơ, chủ đại lý Lơ Phiến ở thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) khẳng định: Hơn 30 năm trong nghề buôn bán hàng tạp hóa nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình trạng thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng lại “sôi động” như bây giờ. Tình trạng các đối tượng đến cửa hàng tiếp thị chào hàng giá rẻ rất phổ biến, còn theo quan điểm của ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc siêu thị Victory, các doanh nghiệp cần đặt quyền và lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Phải kiểm tra nghiêm ngặt nguồn thực phẩm đầu vào, trong quá trình bán nếu thấy hàng chuẩn bị hết hạn sử dụng phải trả lại nhà phân phối hoặc hủy bỏ để sản phẩm không đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người bán hàng, không vì tham rẻ mà tự đầu độc bản thân. Kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, ông Đào Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng cho rằng: Muốn bảo đảm ATVSTP nhất định các doanh nghiệp phải có hệ thống đi kèm như máy phân tích xét nghiệm nhiễm khuẩn, vi sinh, phòng nghiên cứu, cùng với đó đòi hỏi trình độ tay nghề của cán bộ, công nhân viên cao, hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại. Để xóa bỏ tận gốc thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng, sau khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các lực lượng chức năng cần có chế tài buộc doanh nghiệp dừng hoạt động, cấm lưu thông sản phẩm ra thị trường.

 

Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình

 

Việc sử dụng thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày của các gia đình đang khiến không ít người tiêu dùng lúng túng. Họ lúng túng ngay cả khi vào các siêu thị, cửa hàng gắn nhãn “sạch” hay “an toàn” chứ chưa kể tới các chợ buôn bán lẻ vì không có cơ sở nào để kiểm tra hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm để chứng thực cho việc quảng cáo là thật. Vì vậy, trước khi các ngành chức năng kiểm tra sản phẩm một cách khoa học, đầy đủ và thường xuyên, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước thông tin về sản phẩm, cẩn trọng trước khi quyết định mua sản phẩm, cần mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, địa chỉ tin cậy để tự bảo vệ mình. Đồng thời, người tiêu dùng cần tích cực thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, tố giác hành vi vi phạm.

 

 

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh

 

Để xử lý tận gốc vấn đề, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu thông trên đường, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm tra đột xuất và lấy mẫu kiểm tra, giám định. Yêu cầu các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền, công bố, tố giác các hành vi vi phạm, địa chỉ sản xuất không bảo đảm ATVSTP để nâng cao cảnh giác, nhận thức cho người dân. Người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, tẩy chay các cơ sở, hàng quán, tụ điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm không bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, đồng thời tích cực tố cáo hành vi vi phạm để giúp cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tiếp tục quán triệt các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Hồng Anh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường thành phố Thái Bình

 

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn cơ sở kinh doanh, nhà hàng ăn uống chưa đáp ứng tốt các điều kiện kinh doanh theo quy định. Đội QLTT thành phố mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý ở các xã, phường, nhất là lực lượng y tế phường vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát các quán ăn vỉa hè, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường ẩm thực trên địa bàn thành phố Thái Bình.

 

Chị Đỗ Mai Hương, người tiêu dùng huyện Vũ Thư

 

Tôi thường xuyên đi mua sắm ở siêu thị vì vẫn tin tưởng hơn ngoài chợ, hàng hóa lại đa dạng nên dễ lựa chọn hơn. Để bảo đảm ATVSTP, người tiêu dùng mong muốn các siêu thị cần kiểm tra nhà sản xuất, cung ứng xem có đúng với hợp đồng không. Đặc biệt, đội ngũ nhập hàng của siêu thị phải am hiểu hàng hóa, có đạo đức kinh doanh thì các đơn hàng của siêu thị mới được bảo đảm, nếu không thực phẩm bẩn sẽ dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị.

 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa