Thứ 5, 28/03/2024, 22:37[GMT+7]

Tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm của hoạt động bán hàng đa cấp

Thứ 2, 30/09/2013 | 09:56:14
1,683 lượt xem
Trong bài: “Bán hàng đa cấp có giúp nhiều người đổi đời?” đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 27/9/2013 đã phản ánh thực trạng: thời gian qua có hàng nghìn lượt người từ nhiều tỉnh đến Thái Bình tham gia mạng lưới kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội. Trước những dư luận trái chiều, từ tháng 7 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo đúng quy định của

Bữa ăn đạm bạc của nhân viên bán hàng đa cấp tại xã Song An (Vũ Thư).

Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh

Ngày 26/7/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1566/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Sao Mai Chi nhánh Thái Bình và việc cho thuê địa điểm để tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin bán hàng. Sau gần 2 tháng kiểm tra, Đoàn đã phát hiện một số sai phạm của Chi nhánh này như: không treo biển hiệu theo quy định của pháp luật, 6 người gồm chủ cơ sở và nhân viên bán hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng không có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, không cung cấp được bảng kê đi kèm hóa đơn bán bộ hồ sơ khởi nghiệp cho khách lẻ.

Đối với Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đã vi phạm các quy định: Không thực hiện việc thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Thái Bình khi phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp tại Thái Bình theo quy định của pháp luật (Quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 53, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại); kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm có nhãn không đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn mỹ phẩm theo quy định hiện hành (Quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23, Nghị định 93/2011/NĐ-CP ngày 18/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế). Đoàn kiểm tra đã ra quyết định xử phạt hành chính 34 triệu đồng; yêu cầu các doanh nghiệp trên khắc phục sai phạm.

Đối với Công ty TNHH Nguyễn Ngọc Minh Châu (đơn vị cho một số nhà phân phối của Công ty TNHH Lô Hội thuê địa điểm tổ chức hội thảo, chia sẻ thông tin bán hàng) đã xây dựng hội trường trên đất thuê trồng cây ăn quả, chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về thuế. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt việc cho thuê hội trường tổ chức hội thảo phục vụ bán hàng đa cấp khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Quản lý chặt việc đăng ký tạm trú, lưu trú

Cùng với tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Sao Mai Chi nhánh Thái Bình, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đội thuế phát tờ khai thuế và tổ chức thu thuế đối với các hộ kinh doanh nhà trọ. Công an huyện Vũ Thư và Thành phố Thái Bình phối hợp với chính quyền các địa phương, công an các xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác thường trực nắm tình hình, rà soát toàn bộ số hộ kinh doanh nhà trọ và số nhân viên Công ty TNHH Thương mại Lô Hội tạm trú, lưu trú trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất các điều kiện kinh doanh nhà trọ, việc chấp hành Luật Cư trú của chủ hộ và người thuê trọ. Yêu cầu chủ hộ có phòng cho thuê trọ chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh nhà trọ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Kết quả kiểm tra từ ngày 23/8 đến 29/8/2013, Công an huyện Vũ Thư đã lập biên bản nhắc nhở 3 chủ hộ kinh doanh nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, xử phạt hành chính 2 trường hợp không khai báo tạm trú và lưu trú.

Tại Thành phố Thái Bình cũng đã xử phạt 5 trường hợp không thực hiện đúng các quy định về đăng ký tạm trú theo Nghị định số 73 của Chính phủ; phát hiện 61 hộ không đăng ký tạm trú cho người thuê trọ, tạm quản lý 1.429 chứng minh nhân dân  của người thuê trọ giao cho Công an xã xử lý vi phạm đối với 61 hộ trên; 10 phòng trọ có diện tích không đủ 9 m2/phòng, 62 phòng có số người ở vượt quá diện tích sàn theo quy định (tối thiểu đạt 3 m2/người).

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, hoạt động bán hàng đa cấp của các nhân viên Công ty TNHH Thương mại Lô Hội không còn tấp nập, sôi động như trước. Các nhà phân phối dừng việc tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng tại các nơi công cộng. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Ngọc Minh Châu cho biết: “Đầu tháng 9, doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng thuê trụ sở, mặt bằng đối với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Sao Mai, dừng việc cho thuê hội trường để tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bán hàng với các nhà phân phối của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội; treo biển theo quy định, chấp hành nghiêm các kết luận xử phạt hành chính của đoàn kiểm tra”. Tại xã Phú Xuân, phường Phú Khánh (Thành phố Thái Bình); các xã Song An, Minh Quang, Hòa Bình, Tân Hòa, Thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) - những nơi có nhân viên kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội thuê trọ, việc khai báo tạm trú, tạm vắng thực hiện khá tốt. Chủ nhà đã đầu tư thêm các trang thiết bị cho các phòng trọ, số người ở trong các phòng bảo đảm theo đúng quy định 3 m2/người. Ông Phạm Xuân Thiêm, Trưởng Công an xã Minh Quang  (Vũ Thư) cho biết: “Trước đây, tại thôn Minh Quàn có khoảng 400 nhân viên kinh doanh đa cấp thuê trọ nhưng đến nay chỉ còn dưới 100 người, nhiều người cũng đang có ý định chuyển sang địa bàn khác”.

Cần có nhận thức đúng về kinh doanh đa cấp

Theo ghi nhận của phóng viên, gần đây một lượng lớn nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đã rời Thái Bình tìm địa điểm kinh doanh mới. Tuy nhiên, ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… hình thức bán hàng này vẫn khá rầm rộ. Vậy, bán hàng đa cấp là gì, tại sao các công ty đa cấp lại thu hút số đông người tham gia như thế? Thực chất, đây là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, theo đó người bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và của những người trong mạng lưới. Đây là loại hình kinh doanh hiện đại, có những ưu thế nhất định và là cầu nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Trên thế giới, đã có nhiều công ty thành công từ bán hàng đa cấp.

Ở Việt Namon>, năm 2005 Chính phủ đã có Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về “Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp”. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu bất thường, biến tướng. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này lôi kéo nhiều người tham gia để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Namon>. Một trong những vụ việc đình đám nhất trong thời gian qua là sự “biến mất” của nhãn hàng Agel, một thời được coi là mạng lưới kinh doanh đa cấp số 1 ở Việt Namon>. Hay như vụ làm ăn bất chính của Muaban24 gần đây đã khiến cho hàng nghìn người sập bẫy bỏ tiền mua những gian hàng ảo, khi cơ quan chức năng vào cuộc mới cay đắng nhận ra mình đã bị lừa.

Chính những công ty bán hàng đa cấp này đã tạo nên những “cơn sốt” làm giàu, xáo trộn cuộc sống của không ít người dân bằng cách gieo rắc vào đầu những người tham gia ảo tưởng làm giàu. Từ những người nông dân đến sinh viên và cả những người già đã nghỉ hưu bỗng chốc trở thành những “chuyên viên đa cấp”. Câu chuyện về bán hàng đa cấp “biến tướng” thời gian qua cũng làm cho nhiều người dân có ước mơ làm giàu nhanh sau đó “mất cả chì lẫn chài” rơi vào cảnh lao đao, gây mất trật tự xã hội, khiến chính quyền nhiều địa phương lo ngại. Được biết, vừa qua Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quản lý bán hàng đa cấp thay thế Nghị định số 110 nhằm chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh việc sửa đổi các quy định của pháp luật thì vấn đề quan trọng là các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, nhất là những người ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, thanh niên, sinh viên hiểu rõ, hiểu đúng hình thức kinh doanh đa cấp. Tăng cường  kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tính hợp pháp của loại hình kinh doanh này để lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo người dân tham gia. Mỗi gia đình cũng cần quản lý con em mình, giáo dục, định hướng để các em có nhận thức đúng về nghề nghiệp trong xã hội, tránh tình trạng lãng phí cả thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ theo đuổi những ước mơ làm giàu không thực tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa