Thứ 7, 23/11/2024, 13:59[GMT+7]

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 Tổ chức tốt Ngày Pháp luật góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Thứ 6, 08/11/2013 | 09:18:36
3,450 lượt xem
Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn bà Bùi Thị Lan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp về những vấn đề liên quan đến nội dung này.

Đồng chí Bùi Thị Lan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cuộc họp bàn về công tác tư pháp.

PV: Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 quy định: “Ngày 9 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namon>”. Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật và chủ đề Ngày Pháp luật năm 2013?

 

Bà Bùi Thị Lan: Tổ chức Ngày Pháp luật là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định Ngày Pháp luật được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng. Điều đó sẽ giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống. Ngày Pháp luật còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua sinh hoạt, Ngày Pháp luật sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật còn giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn là cơ hội để người dân tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật và có những góp ý tham gia vào công tác xây dựng luật. Có thể khẳng định Ngày Pháp luật thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.

 

Ngày Pháp luật năm 2013 được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, từ các cơ quan Nhà nước cấp trung ương đến địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm… gần gũi, thiết thực với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân, từ đó giúp mọi người dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Với ý nghĩa đó, Ngày Pháp luật thực sự sẽ trở thành ngày thượng tôn pháp luật.

 

Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

PV: Thưa bà, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là công việc hàng ngày, thường xuyên. Vậy trong dịp tổ chức Ngày Pháp luật, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật sẽ được tổ chức như thế nào?

 

Bà Bùi Thị Lan: Các cơ quan, tổ chức, địa phương sẽ tự lựa chọn nội dung phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện và yêu cầu của đơn vị, địa bàn. Tập trung vào tuyên truyền về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những đạo luật có liên quan đến mọi cá nhân, tổ chức được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)…

 

Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, đa số các huyện, thành phố ngoài những nội dung nêu trên đã tập trung chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức; thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Một số cơ quan còn tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực của ngành mình.

 

Vì thế, tuy cùng một mục đích và sự kiện nhưng Ngày Pháp luật sẽ được tổ chức mang những sắc thái và đặc trưng của từng đơn vị, mở ra nhiều mô hình mới cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới. Những hình thức truyền thống đã được đánh giá hiệu quả qua nhiều năm như các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật sẽ vẫn được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương áp dụng. Những hình thức lồng ghép này rất hiệu quả vì “một công đôi việc” và giúp công tác đưa pháp luật vào cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

 

PV: Theo bà, sự kiện Ngày Pháp luật đầu tiên này sẽ tạo điểm nhấn gì?

 

Bà Bùi Thị Lan: Sự kiện đặc biệt Ngày Pháp luật sẽ tạo điểm nhấn cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để công tác này ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong đời sống xã hội; giúp mọi người dân dễ dàng tiếp nhận và áp dụng pháp luật như một thói quen, một phần tất yếu trong hoạt động hàng ngày, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong các cơ quan, tổ chức, cán bộ và nhân dân.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

  • Từ khóa