Thứ 6, 03/05/2024, 11:45[GMT+7]

Người dân lo đối phó với giá gas tăng

Thứ 3, 24/12/2013 | 10:47:59
2,434 lượt xem
Từ ngày 1/12, giá gas tăng từ 70.000 đến 90.000 đồng/bình loại 12kg khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng, nhất là thời điểm cuối năm. Việc giá gas tăng khiến nhiều người bất ngờ, luống cuống tìm mọi cách tiết kiệm, thay đổi thói quen tiêu dùng để thích nghi với sự biến động về giá.

Giá gas tăng, giải pháp tiết kiệm của nhiều sinh viên là thay thế bếp gas bằng bếp than tổ ong.

Chị Hoàng Thị Cúc, chủ cửa hàng bán đồ gia dụng ở chợ Quang Trung cho biết: Vài năm trở lại đây, số người dùng bếp than giảm nhiều, mỗi tuần cửa hàng chị chỉ bán được 2 - 3 chiếc, vì vậy số lượng bếp than nhập về cũng ít hơn. Nhưng từ khi gas tăng giá, lượng khách hàng đến xem và mua bếp lại tăng lên hẳn, có ngày bán được 2 - 3 chiếc.

Giá gas tăng đã khiến cho nhiều người dân từ thành phố đến nông thôn, nhất là học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp không khỏi lo lắng, nhiều gia đình chuyển từ bếp gas sang dùng bếp than tổ ong. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lụa, trú tại phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình xích mích, to tiếng mấy ngày cũng chỉ vì việc thay đổi thói quen dùng bếp gas. Chị Lụa tâm sự: “Sau khi sinh, tôi phải ở nhà trông con, một mình ông xã lo kinh tế, vì vậy mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương của chồng. Nhà có con nhỏ, hàng ngày phải hầm xương, nấu cháo, đun nước… tốn nhiều gas và thời gian.

Trước đây, một bình gas loại 12kg giá 390.000 đồng chỉ đun nấu được khoảng 2 tháng. Nay gas tăng giá lên 480.000 đồng/bình, tôi bàn bạc với anh chuyển sang dùng bếp than để cho tiết kiệm nhưng anh ấy không đồng ý. Anh ấy cho rằng dùng bếp than mỗi tháng chỉ tiết kiệm được  ít tiền nhưng lại dễ gây bỏng, gây độc hại nhất là đối với trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, nếu dùng bếp than lại phải thay đổi, sắm mới một số đồ dùng như: xoong, nồi, chảo cho phù hợp với bếp. Tôi lại cho rằng với tình hình kinh tế khó khăn, không chỉ có gas mà điện, nước, xăng, thực phẩm, đồ dùng gia đình cũng tăng trong khi tiền lương thấp, vì vậy tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy”. Không chỉ có gia đình chị Lụa, mà nhiều gia đình khác cũng lo lắng khi giá gas tăng. Chị Ngô Thị Hồng, trú tại tổ 43, phường Kỳ Bá cũng phân vân nói: “Hơn 1 tuần nay, gia đình tôi giảm chi phí thức ăn, chủ yếu chế biến các món ăn đơn giản, không mất nhiều thời gian đun nấu để khỏi tốn gas.

Tôi nghe nhiều người nói, hiện đang có một số cửa hàng bán gas và bếp gas tiếp thị các thiết bị giúp tiết kiệm gas, có thể tiết kiệm được 20% lượng gas dùng hàng ngày. Vợ chồng chúng tôi cũng đang tìm hiểu, không biết thực hư thế nào, nếu tiết kiệm thì dù chi phí ban đầu cao chúng tôi cũng mua,  chỉ mất tiền một lần mà sử dụng được lâu dài. Còn nếu sử dụng bếp than, mỗi tháng có thể tiết kiệm được gần 100.000 đồng nhưng tốn nhiều thời gian, không gian chật chội, xỉ than thải ra nhiều gây mất vệ sinh. Nếu tình hình gas tăng kéo dài, có khi giá than lại tăng theo”.

Ðối với công nhân và sinh viên càng lo lắng khi giá gas tăng mạnh. Chị Nguyễn Lan Anh, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cho biết: 2 vợ chồng chị giành dụm mãi mới tiết kiệm mua được cái bếp gas đun nấu cho tiện lợi, đỡ vất vả. Tháng này gas tăng, lương công nhân ít ỏi, chi phí phát sinh nhiều nên đành trở lại với bếp rơm. Còn với Hồng Thắm, sinh viên năm cuối Trường Ðại học Y Dược Thái Bình thì cho biết: “Phòng em ở 3 người, dùng bếp gas mini, 2 ngày là hết 3 bình. Trước đây giá gas 7.000 đồng/bình, giờ tăng giá lên 9.000 đồng, rất tốn kém. Bọn em lại rủ nhau 2 - 3 phòng chung nhau mua bếp than tổ ong về dùng. Ban đầu chưa quen, khói bếp và mùi than khiến cả xóm trọ khó chịu. Nhưng thấy dùng bếp than tiết kiệm nên cả xóm bảo nhau mua về dùng.

Hiện xóm trọ có 8 phòng dùng chung 2 bếp, các phòng phải dựa trên lịch học mà phân chia thời gian nấu cho hợp lý, còn nước tắm thì đun vào nồi to rồi chia nhau tắm. Ở xóm trọ mà nấu bếp than tuy hơi chật chội và phức tạp, nhưng so với bếp gas, bếp điện thì tiết kiệm được rất nhiều. Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng nước nóng tăng, nếu dùng ấm điện để đun nước một tháng lên tới 40 - 50 số điện, tính với giá điện ở các xóm trọ 3.000 đồng/số, chỉ riêng tiền điện cũng tốn khoảng 150.000 đồng. Vì vậy dùng bếp than tổ ong thay cho gas là hợp lý nhất”.

Ở các vùng nông thôn, ngoài việc  lo lắng vì giá gas tăng, người dân còn lo lắng sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng theo. Theo bà Phạm Thị Thanh, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) cho biết: “Vài năm nay, xóm tôi có tới 80 - 90% hộ gia đình dùng bếp gas, dạo này thấy gas tăng giá, bà con lại kéo nhau ra đồng thu lượm rơm, rạ về đun nấu. Nhà tôi trước giờ chỉ dùng bếp gas để xào nấu các món ăn nhanh, còn dùng bếp củi để đun nước, hầm canh, kho cá… vì vậy, điều mà chúng tôi lo lắng nhất là việc gas tăng giá kéo theo các mặt hàng khác tăng giá theo. Nông dân chúng tôi thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống khó khăn. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có biện pháp kiểm soát giá gas để các mặt hàng khác không ăn theo mà tăng lên”.

Bích Liễu

  • Từ khóa