Thứ 6, 26/04/2024, 00:41[GMT+7]

Quỳnh Giao Ðồng không còn khói

Thứ 2, 18/11/2013 | 08:42:10
3,068 lượt xem
“Ai đến Quỳnh Giao những vụ mùa trước, cứ khoảng chiều tối sẽ thấy cả một vùng quê chìm trong màn khói. Khói theo gió lùa vào nhà cửa, mù mịt trên những con đường những khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và việc bảo đảm an toàn giao thông. Ấy là khói do đốt rơm, đốt rạ sau thu hoạch” - Ông Nguyễn Viết Ðạt, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) trải lòng.

Kiểm tra đống rơm rạ ủ bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB tại xã Quỳnh Giao.

Cũng như nông dân ở các địa phương khác, khi cuộc sống ngày càng khấm khá, người nông dân Quỳnh Giao không cần phải nhặt nhạnh từng cọng rơm về làm chất đốt như trước nữa bởi giờ đây chất đốt phần lớn đã được thay thế bằng gas, bằng điện hoặc than. Cùng với đó, công việc làm đồng ngày càng được hiện đại hóa. “Trâu đỏ” thay thế trâu đen, máy móc giúp công việc đồng áng vừa nhanh vừa nhàn. Ðàn trâu bò nhờ đó cũng được “nghỉ ngơi”, rơm rạ vì thế cũng không cần phải tích trữ như trước.

Vậy là để xử lý chúng, người ta chỉ còn biết đốt, đốt và đốt. Một nông dân cho biết: “Rơm rạ giờ trở nên thừa thãi, nếu cứ để phơi trên ruộng biết bao giờ nó mới hoại, mới mục trong khi đất cần quay vòng làm ngay. Do đó, chúng tôi đành phải tự xoay xở và cách nhanh nhất là “hỏa thiêu” ngay tại ruộng, dù biết rằng làm như thế là ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh”.

“Không thể trách người nông dân bởi lâu nay có ai bày cho họ cách tốt hơn đâu. Cho tới gần đây, khi tiếp cận chương trình hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sau gặt bằng chế phẩm vi sinh AT – YTB được UBND tỉnh giao cho Trường Ðại học Y Thái Bình thực hiện, chúng tôi mới hiểu rõ hơn tác hại của việc đốt rơm rạ, không những làm môi trường ô nhiễm mà còn làm đất nông nghiệp ngày càng cằn cỗi, bạc màu. Chúng tôi cũng được biết rằng, hiện có nhiều cách xử lý rơm rạ đơn giản mà mang lại hiệu quả. Vì vậy, được chọn làm thí điểm mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh AT – YTB, nông dân Quỳnh Giao tham gia rất nhiệt tình” - Ông Ðạt cho biết thêm.

Ðể mô hình thí điểm đạt hiệu quả, tiến tới mở rộng góp phần chấm dứt việc đốt rơm rạ sau gặt, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong xã đã tích cực vào cuộc với phương châm “làm tới nơi, tới chốn”. Cùng với việc tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, xã đã thành lập Ban chỉ đạo với 5 thành viên, đồng thời giao nhiệm vụ cho các bí thư chi bộ, trưởng thôn vận động, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các hộ đã nhận chế phẩm.

Xã còn phối hợp cùng Trường Ðại học Y Thái Bình tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân cách ủ rơm rạ bằng chế phẩm sau thu hoạch làm phân bón; hướng dẫn xử lý rơm rạ tại ruộng gặt lửng, cày lật… Ban chỉ đạo xã cử lực lượng công an xuống từng thôn, xóm vận động nông dân không đốt rơm rạ và theo dõi sát sao nhằm ngăn chặn những cá nhân có ý định đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Sau khi nông dân nhận chế phẩm vi sinh ủ rơm, Ban chỉ đạo xã thường xuyên cùng cán bộ Trường Ðại học Y Thái Bình và Công ty cổ phần Ðầu tư PCI kiểm tra, đôn đốc bà con thực hiện đúng theo hướng dẫn để có hiệu quả cao.

Quỳnh Giao giờ đã không còn khói trên cánh đồng, không có hiện tượng phơi rơm rạ trên đường giao thông, không khí thoáng đãng giữa ngày mùa. Trên khắp các cánh đồng, rất nhiều đống rơm ủ chế phẩm vi sinh đã “mọc lên”. Chỉ riêng khu vực gần trường mầm non đang xây dựng, chúng tôi đã đếm được gần chục đống rơm ủ bằng chế phẩm vi sinh. Khi đặt tay vào những đống rơm đã được nông dân xử lý bằng chế phẩm cách đó khoảng một tuần đúng theo hướng dẫn có thể cảm nhận được độ tỏa nhiệt cao và rơm đã có hiện tượng hoai mục.

Chế phẩm vi sinh được sử dụng tại xã Quỳnh Giao là loại chế phẩm AT - YTB do Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật y dược Trường Ðại học Y Thái Bình nghiên cứu phối hợp sản xuất. Ðây là sản phẩm đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Namon>. AT - YTB là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu ích gồm vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân, sinh chất kích thích sinh trưởng, tạo kháng sinh hoặc ức chế mầm bệnh…

Việc sử dụng chế phẩm vi sinh này để thay thế tình trạng đốt rơm rạ là một phương pháp mới, hiệu quả. Các vi sinh vật hữu ích trong chế phẩm không những giúp tạo nguồn phân bón hữu cơ từ phế phẩm của nông nghiệp mà còn có tác dụng cải tạo độ phì của đất, tăng sức đề kháng của cây trồng và bảo vệ môi trường. Mỗi đống ủ đã thu gom chừng 3-5 sào rơm rạ và ủ ngay tại chân ruộng vừa mới gặt, dùng 1 gói chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý cho 1 sào rơm rạ. Cứ mỗi lớp rơm rạ dầy 20-30 cm lại phun chế phẩm vi sinh 1 lần, đống ủ được đậy kín từ 15-30 ngày có thể đem bón ruộng.

Chế phẩm này còn rất hiệu quả trong việc xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi và trong đời sống hàng ngày. Theo kế hoạch, Chương trình hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sẽ hỗ trợ miễn phí hơn 45.000 gói chế phẩm cho 10 mô hình làm thí điểm. Riêng tại xã Quỳnh Giao, hiện Công ty đã hỗ trợ 2.600 gói.

Chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh Thái Bình giao cho Trường Ðại học Y Thái Bình chủ trì hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã mang lại cho Quỳnh Giao một mùa gặt không có khói. Mong sao những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng, góp phần “xóa sổ” việc “đốt đồng” sau mỗi mùa gặt ở các địa phương.

Ngọc Mai

  • Từ khóa