Thứ 5, 25/04/2024, 21:00[GMT+7]

Trường Sa - Khát vọng trường tồn (Kỳ 1)

Thứ 3, 22/05/2018 | 16:09:39
3,535 lượt xem
17 giờ ngày 6/1/2018, 4 tàu: 561, 571, 996, 490 đồng loạt kéo còi chào cảng, rẽ sóng vươn khơi, đưa 4 đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ.

Đảo Đá Tây B.

Tàu kiểm ngư KN-490 đưa đoàn chúng tôi đến các đảo thuộc tuyến đảo phía Nam Trường Sa. Được đến với Trường Sa, tôi đã thỏa ước nguyện bấy lâu nay của mình. Một cảm xúc lâng lâng, thật vinh dự, tự hào. Gần 20 ngày đêm lênh đênh trên biển, được đặt chân đến những đảo chìm, đảo nổi, được tận mắt chứng kiến đời sống sinh hoạt, việc học tập, rèn luyện và được chia sẻ, lắng nghe, tâm tình với những người lính biển, có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả các đồng nghiệp trong đoàn đều có được nhiều tư liệu quý, khắc ghi trong lòng những kỷ niệm chắc chắn cả đời không quên.

Kỳ 1: Những đảo chìm bất khuất

Trong số 8 điểm đảo mà đoàn chúng tôi đến thăm thì có 6 đảo chìm gồm: Đá Đông (A, B, C), Đá Tây (A, B) và Đá Lát. Theo lịch trình, điểm đảo Đá Đông B sẽ là điểm dừng chân đầu tiên trong hải trình.

Ấn tượng đảo chìm

Thủy triều xuống thấp nên tàu phải neo cách đảo gần một ki-lô-mét, chờ con nước thuận lợi để lên đảo. Mặc cho đầu óc chếnh choáng vì say sóng, mọi người đổ dồn ra boong tàu, ánh mắt hướng về phía đảo dâng lên niềm xúc động, tự hào khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên biển, đảo quê hương. Ai cũng háo hức, mong chờ giây phút được đặt chân lên đảo.

Hải đăng đảo Đá Tây B.

Nhìn từ xa, đảo chìm Đá Đông B hiện lên như ngọn hải đăng giữa sóng biển. Các đảo chìm ở Trường Sa có kiến trúc tương đối giống nhau, “Doanh trại” của đảo được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển, tạo thành các chiến lũy vững chắc gồm các khối nhà cao từ 2 - 3 tầng bằng bê tông kiên cố, vừa là nơi sinh hoạt, vừa là nơi trực chiến của cán bộ, chiến sĩ.

Tác nghiệp trên đảo chìm, anh em phóng viên thường hỏi về những khó khăn, thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ. Và câu trả lời vẫn là rau xanh và nước ngọt. 

Đại úy Trần Văn Lãm, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông B, quê ở thành phố Thái Bình chia sẻ với chúng tôi: Nguồn nước sinh hoạt trên đảo chủ yếu là nước mưa, được dùng cho cả nấu ăn lẫn tắm giặt, chưa kể còn phải tiết kiệm để tưới rau hàng ngày. Vì thế, cứ mỗi khi trời giông gió, sắp đổ mưa bộ đội trên đảo lại khẩn trương vệ sinh sạch sẽ các mái nhà và mang xô, chậu để hứng nước ngọt, trữ vào các bể chứa ngầm. Tuy nhiên để có đủ nước dùng cho mùa khô, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải sử dụng hết sức tiết kiệm, với 5 lít/ngày/người. Vì tiêu chuẩn “eo hẹp” nên cán bộ, chiến sĩ chủ yếu để dành nước đánh răng và rửa mặt. Còn muốn tắm, giặt thì bộ đội phải tắm dưới biển trước, sau dội qua nước ngọt rồi tận dụng nước ấy lắng lại để tưới rau.

Khắc phục hệ thống điện năng lượng mặt trời tại đảo Đá Lát.

Hàng ngày, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn tích cực tăng gia sản xuất, đánh bắt hải sản để cải thiện bữa ăn. Để có đất trồng cây, trồng rau, tăng gia sản xuất, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm, đảo nổi đã phải mang từng bao đất từ đất liền ra, xúc từng bao cát dưới biển đổ lên trên nền đá san hô để cải tạo đất… Hạt giống mang từ đất liền ra cũng phải chọn lựa, thử nghiệm kỹ xem có phù hợp với thời tiết khắc nghiệt nơi đây.

Để có được những vườn rau xanh tốt, bảo đảm bữa ăn hàng ngày cho bộ đội là biết bao mồ hôi, công sức, bao tâm huyết, chăm chút tỉ mỉ của người lính đảo. Rau xanh ngoài đảo được ươm mầm từ nắng, gió Trường Sa, từ những giọt nước ngọt chắt chiu dành dụm, trải qua cả giông bão mà thành. Năm nay Trường Sa hứng chịu bão lớn. Cuối năm 2017, cơn bão số 16 (bão Tembin) quét qua, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đảo chìm, đặc biệt là vườn rau của bộ đội. 

“Nhìn các luống rau muống, rau đay, mồng tơi, rau cải… xanh non mơn mởn bị sóng biển dập vùi, mà xót lòng lắm các nhà báo ạ” - Trung sĩ Phan Hữu Nhớ, đảo Đá Tây B chia sẻ.

Tuy nhiên, ngay sau khi bão tan, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm đã khẩn trương dùng nước ngọt rửa mặn, bón thêm vôi rồi trải bạt ra phơi đất từ 2 đến 3 ngày, sau đó mới xuống giống. Sau gần một tháng, những vườn rau xanh trên đảo đã cơ bản được khôi phục, bảo đảm nhu cầu rau xanh của bộ đội.

Lạc quan người lính đảo chìm

Đến những đảo chìm, chúng tôi ghi nhận không gian khá chật hẹp nhưng tất cả vật dụng đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. 

Cùng anh em chiến sĩ ôm cây đàn ghita nghêu ngao những bài hát về biển đảo quê hương, Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát tâm sự: Trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là trạm phát sóng điện thoại thì cuộc sống sinh hoạt của anh em lính đảo chìm khổ về mọi mặt. Sách báo, thư từ có khi vài tháng mới đến tay lính đảo. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bà con trong đất liền, đời sống của cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa ngày càng được cải thiện. Hầu hết các đảo đều có điện gió, điện mặt trời và được trang bị tivi cỡ lớn với đầu thu kỹ thuật số, hệ thống dàn karaoke giải trí, phòng đọc sách, tập luyện thể thao... đặc biệt là sóng điện thoại phủ khắp đảo nên khoảng cách giữa đất liền và đảo xa đã thu lại gần hơn.

Thư từ đất liền.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở những người lính đảo chìm là mỗi khi đề cập đến gian khó, hy sinh, các anh luôn lạc quan, tươi cười; không thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình; cùng với lời hứa luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tôi nhớ như in giọng nói sang sảng đậm chất lính đảo của người đồng hương - Đại úy Trần Văn Lãm: “Ở Trường Sa quanh năm bốn bề chỉ toàn sóng, nước, gió biển mặn mòi và nắng chói chang. Lính đảo Trường Sa hàng năm trời bám đảo không về đất liền, không gặp người thân; hàng tháng trời “đói” rau, thèm thịt tươi,“khát” tiếng nói từ đất liền. Thế nhưng, anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn động viên nhau, kiên cường bám trụ, giữ vững những “cột mốc thép” trên biển, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc ở Trường Sa”.

Lời sẻ chia chân tình, đầy lạc quan và lời hứa chắc nịch của người chỉ huy trẻ như in hằn trong tâm trí những người khách lần đầu đặt chân lên đảo như chúng tôi.

(Còn nữa)

Nguyễn Thơi