Thứ 4, 24/04/2024, 17:56[GMT+7]

Trường Sa - Khát vọng trường tồn (Kỳ 2)

Thứ 4, 23/05/2018 | 09:16:08
1,732 lượt xem
Không chỉ là nơi tàu, thuyền tránh trú bão, âu tàu tại đảo Đá Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) còn cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cho ngư dân khi cần thiết. Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn thu mua thủy sản cho ngư dân, vận hành và khai thác nhà máy sản xuất nước đá, kho đông, kho lạnh, giúp ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển.

Tàu, thuyền của ngư dân neo đậu tại âu tàu đảo Đá Tây A...

Kỳ 2: Điểm tựa của ngư dân

Ngày thứ tư trong hải trình đến với Trường Sa, tàu chúng tôi chuẩn bị cập đảo Đá Tây cũng là lúc không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến vùng biển Trường Sa. Gió biển mạnh cấp 6, cấp 7, những con sóng cao 3 - 4 mét khiến con tàu KN-490 cũng nghiêng ngả, có thêm một số phóng viên nằm bẹp vì say sóng. Ngồi trên xuồng CQ vào đảo, đôi lúc sóng biển trùm lên xuồng khiến các thành viên đoàn công tác ướt nhẹm, máy móc thiết bị đều phải gói ghém cẩn thận trong túi bảo quản. Thế nhưng, được đặt chân lên đảo, cánh phóng viên ai nấy đều hân hoan, phấn khởi.

Nơi tránh trú an toàn

Điều ấn tượng nhất với chúng tôi ở đảo Đá Tây, đó là ở đây có một âu tàu rộng lớn, tàu, thuyền của ngư dân tấp nập ra vào. Hiện nay, huyện Trường Sa có 4 âu tàu được xây dựng tại các đảo Trường Sa, Đá Tây, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Đây là những nơi để ngư dân vào tránh trú khi gặp mưa bão trên biển. Trong đó, âu tàu đảo Đá Tây đang trong quá trình hoàn thiện có diện tích lớn nhất (13ha), cửa luồng sâu, cùng lúc có thể cho khoảng 200 tàu trọng tải đến 1.000 tấn neo đậu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đảo Đá Tây A tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.

Cuối năm 2017, âu tàu đảo Đá Tây đã tiếp đón 21 tàu với 227 ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu vào tránh trú bão số 15 và bão số 16 an toàn. 

Ông Nguyễn Quốc Thanh, thuyền trưởng tàu BĐ 96556-TS cho biết: Xác định bão số 15, bão số 16 đổ bộ vào vùng biển Trường Sa, ngay khi nhận được tin báo và kêu gọi tránh trú bão của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, tàu chúng tôi lập tức di chuyển về âu tàu đảo Đá Tây A để neo đậu. Ở đây chúng tôi được hỗ trợ lương thực, thuốc men, nước ngọt miễn phí..., đặc biệt, dầu máy được cung ứng bằng với giá trong đất liền.

Theo Đại úy Phạm Đình Khải, quê huyện Vũ Thư, Chính trị viên đảo Đá Tây A, vùng biển Trường Sa quanh năm nhiều sóng dữ, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên có bão; do đó, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn thường xuyên theo dõi thời tiết, hoạt động đánh bắt của ngư dân và sẵn sàng kêu gọi tàu, thuyền về các âu tàu để tránh trú bão kịp thời và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Để tránh những sơ suất đáng tiếc, lính đảo phải luyện tập thành thục các phương án tối ưu và linh hoạt nhất.

Để ngư dân yên tâm bám biển

Tại khu vực đảo Đá Tây và những đảo, điểm đảo lân cận thường xuyên có khoảng 800 tàu của ngư dân đánh bắt mực, cá ngừ đại dương... Để ngư dân yên tâm bám biển, từ năm 2005, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được thành lập tại đảo Đá Tây. 

Ông Hồ Mạnh Tưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết, đơn vị hiện có 15 cán bộ, nhân viên, 11 tàu chuyên dụng trong đó 10 tàu chuyên chở nhu yếu phẩm, lương thực và 1 tàu chở dầu, hàng hóa hỗ trợ ngư dân trên biển. Trung tâm cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm và sửa chữa tàu miễn phí cho ngư dân.

Ngư dân tiếp nhận nhiên liệu ở âu tàu đảo Đá Tây A để tiếp tục chuyến đi biển dài ngày.

Tháng 10/2017, Trung tâm bắt đầu triển khai việc thu mua cá, mực cho ngư dân đồng thời xây dựng thêm kho lạnh tích trữ được trên 800 cây đá/ngày và một kho đông có thể thu mua 5 tấn cá/ngày. Đó là cơ sở để trung tâm triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho tích trữ thủy sản trong những chuyến đi biển dài ngày. Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm dịch vụ phát triển năng động tại Trường Sa, tạo động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Ông Đoàn Văn Tâm (quê tỉnh Bình Định), chủ một tàu đang khai thác cá ở vùng biển Trường Sa cho biết: Ngư dân chúng tôi rất yên tâm khi đánh bắt trên vùng biển này. Mỗi khi hết dầu, hết đá hay nước ngọt chúng tôi lại chạy vào âu tàu này để nhờ tiếp tế hay khi trúng luồng cá, ngư dân vào đây bán rồi lại tiếp tục ra khơi. Trước kia, khi chưa có âu tàu này thì các tàu phải gọi tiếp viện hoặc chạy ngược vào bờ, vừa tốn kém, mất thời gian mà lại bị lỡ thời vụ đánh bắt.

Theo quy hoạch, tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây, Nam Yết. Trước hết sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần tại các đảo, sau đó là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung Bộ nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hậu thuẫn cho hiện đại hóa việc khai thác hải sản. 

Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo của huyện đảo Trường Sa đã củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã cung cấp cho ngư dân 22 tấn lương thực, thực phẩm, gần 1.800m3 nước ngọt, 275.000 lít dầu, 25.205 cây đá, sửa chữa 26 tàu, cứu hộ nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển...


(còn nữa)
Nguyễn Thơi