Thứ 6, 29/03/2024, 13:08[GMT+7]

Trường Sa - Khát vọng trường tồn (Kỳ 3)

Thứ 3, 29/05/2018 | 09:13:13
1,540 lượt xem
Sau bao vất vả, khó khăn, đoàn chúng tôi đã đặt chân lên đảo Trường Sa Đông. Giữa sóng gió biển khơi, Trường Sa Đông vẫn vững như thành đồng, để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ về tình yêu Tổ quốc.

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Đông.

Biển thử lòng người

Rời đảo Đá Tây, tàu KN-490 vượt sóng gió đến với đảo Trường Sa Đông, cách đảo Đá Tây chừng 6 hải lý (khoảng hơn 11km). Nhìn từ xa, đảo hiện lên một màu xanh ngắt giữa bốn bề sóng nước. Tàu KN-490 tương đối lớn và được coi là tàu hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, tàu cũng gặp rất nhiều khó khăn để neo gần đảo. Nước biển sâu, dòng chảy ngầm mạnh cùng với giông lốc, sóng to, gió giật làm tàu rung lắc nên phải liên tục di chuyển để tìm vị trí thả neo phù hợp. Tàu neo cách đảo chỉ khoảng chừng nửa cây số nhưng do biển động, sóng cao nên xuồng trung chuyển không thể ra, vào đảo theo đúng kế hoạch. Cứ hạ xuồng xuống, gặp cơn giông, sóng mạnh, thủy thủ lại phải kéo lên; cánh phóng viên chúng tôi phải lùi ngày lên đảo.

Trồng cây xanh trên đảo Trường Sa Đông.

Cứ thế chờ đợi, đến ngày thứ tư, giông lốc tuy đã giảm nhưng sóng và gió biển vẫn lớn, trưởng đoàn công tác, Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân họp đoàn công tác và quyết định: Dù thời tiết xấu nhưng đoàn công tác và lực lượng thay thu quân vẫn quyết tâm vào đảo bởi thời gian theo kế hoạch không cho phép kéo dài. Xuồng nhỏ tròng trành, lắc lư theo con sóng như muốn lật nhào. Những người thợ máy, tổ lái xuồng phải căng mình trong mưa gió để đưa người và hàng hóa xuống xuồng vào đảo an toàn. 

Ngồi trên xuồng nhỏ giữa mênh mông sóng nước, tận mắt chứng kiến những vòng xoáy nước, những đợt sóng lừng cùng cơn mưa biển nặng hạt khiến chúng tôi không khỏi lo âu, tay nắm chặt vào xuồng, mắt nhìn thẳng về hướng đảo, thầm mong mọi sự bình an... Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi ai nấy vỡ òa hạnh phúc khi lên được đảo. Mọi người ôm chầm lấy nhau như gặp lại người thân lâu ngày xa cách. Cảm xúc lắng đọng, dâng trào trong từng ánh nhìn, cử chỉ.

Đảo nhỏ thanh bình

Đối lập với giông gió biển khơi, ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên Trường Sa Đông là đảo nhỏ thanh bình đến kỳ lạ với một màu xanh ngát của bàng vuông, bàng ta, cây tra, cây dừa, phong ba, bão táp... Từ một đảo đá san hô và cát biển trơ trọi, cằn cỗi, đến nay cây xanh đã phủ kín hơn 80% diện tích của đảo. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa, giông bão thất thường, lại nằm trên bãi san hô ngập nước, lớp mùn san hô trên đảo mỏng, rất khó cho việc trồng cây xanh. Thế nhưng, dưới bàn tay, khối óc của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo trong nhiều năm qua, Trường Sa Đông giờ đã được phủ kín bởi màu xanh.

Chỉ huy Đảo Trường Sa Đông kiểm tra phiên gác đêm.

Chúng tôi đi giữa những lối đi nhỏ bằng bê tông xuyên dưới tán bàng vuông, cây tra đã nhiều năm tuổi, cảm giác như đang trên một làng quê biển ở đất liền. 

Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết: Để xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, chúng tôi thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong việc trồng và chăm sóc cây xanh. Hàng năm đều trồng mới, nhân giống bàng vuông, bàng ta bằng hạt và chiết cành, thông qua việc truyền cho nhau kinh nghiệm của những người đi trước. Để quản lý và chăm sóc tốt, đảo đánh số cây, giao về từng bộ phận có trách nhiệm duy trì, phát triển hệ thống cây xanh trên đảo, coi đây là một tiêu chí thi đua. Riêng trong năm 2017, toàn đảo đã trồng mới được 285 cây, chủ yếu là bàng vuông, dừa và tra.

Hưởng ứng tết trồng cây, đảo đã duy trì việc trồng cây vào dịp đầu xuân và các phong trào của đoàn thanh niên. Đặc biệt, các đồng chí công tác tại đảo sau khi rời đảo sẽ trồng cây lưu niệm để tạo màu xanh tươi cho đảo và góp thêm niềm tin giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Trung tá Trần Minh Đức cho biết thêm: Năm 2017, do ảnh hưởng của bão số 15 và bão số 16, hệ thống cây xanh bị ảnh hưởng rất nhiều. Để hạn chế thiệt hại, trước bão, chúng tôi đã chủ động cắt tỉa những cành cao dễ gãy đổ. Sau bão, những cây bị đổ đã nhanh chóng được dựng lại, chăm sóc kịp thời nên hiện nay cây đã phát triển tốt.

Nghĩa tình lính đảo

Một ngày đoàn công tác lưu lại trên đảo Trường Sa Đông là thời gian chúng tôi đón nhận trọn vẹn tình cảm chân tình của những người lính đảo. Các anh chăm lo chu đáo từng bữa cơm, nhường nơi ngủ vốn ít ỏi cho khách... Nghĩa tình còn gói trọn trong từng tấm bánh chưng xanh mà bộ đội trên đảo đã thức đêm canh nấu; là lời ca, tiếng hát trao gửi trong đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân”; là ly nước chè xanh cùng anh em chiến sĩ trò chuyện, cùng nhau chờ ngắm hoa bàng vuông nở.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Trường Sa Đông.

Ở Trường Sa Đông, chúng tôi được gặp Việt, chàng trung úy trẻ đồng hương Vũ Thư (Thái Bình), được trao tận tay Việt món quà gửi từ hậu phương và những thước phim, bức hình của gia đình anh. Khi nhìn thấy hình ảnh bố mẹ, vợ và đặc biệt là cô con gái nhỏ chưa tròn 6 tháng tuổi xinh xắn đáng yêu, Việt đã khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc của người lính đảo làm bao trái tim xúc động, bồi hồi.

Những phút giây ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận về tinh thần người lính đảo luôn lạc quan, yêu đời, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Những cây bàng vuông, cây phong ba vẫn tỏa bóng mát xanh như sức sống của người lính đảo, luôn kiên cường trong giông bão để Trường Sa Đông mãi như thành đồng.

(còn nữa)
Nguyễn Thơi