Thứ 4, 24/04/2024, 17:21[GMT+7]

Gian nan “cuộc chiến” không thuốc lá

Thứ 2, 11/06/2018 | 09:30:01
1,638 lượt xem
Hàng năm có hàng nghìn người chết vì hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 31/5 là ngày Thế giới không thuốc lá. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người hút thuốc lá lại đang có xu hướng tăng, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn rất cao, khoảng 45,7% và gánh nặng bệnh tật vẫn rất nặng nề.

Hầu hết lãnh đạo các đơn vị chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2014 - 2017 đều có chung nhận định: Đây là “cuộc chiến” lâu dài, nhiều khó khăn bởi hút thuốc lá từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người, thuốc lá còn là sản phẩm gây nghiện. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã quyết liệt triển khai thực hiện nhưng tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng vẫn diễn ra. Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao và phổ biến tại một số địa điểm công cộng như nhà hàng, khách sạn, bến xe... 

Mới đây, khi đi dự hội nghị tại một huyện, giờ giải lao 15 phút vẫn còn nhiều đại biểu hút thuốc. Điều đáng nói là không chỉ ở hội nghị cấp huyện, cấp xã mà ở một số hội nghị cấp tỉnh tình trạng cán bộ tranh thủ hút thuốc lá cũng vẫn diễn ra. Người này mời người kia thế là lại “tặc lưỡi” hút một điếu. Khi mà cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa gương mẫu, chưa kiên quyết thì “cuộc chiến” không thuốc lá tại nơi làm việc vẫn còn lắm gian nan.

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dù lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thuốc lá, chống buôn lậu thuốc lá, kinh doanh thuốc lá giả, bán buôn, bán lẻ song các đối tượng buôn bán thuốc lá lậu hoạt động ngày càng tinh vi, một số chủ cửa hàng vì lợi nhuận do thuốc lá mang lại nên còn vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá dẫn đến khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn dễ. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh tại khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bến xe khách Thái Bình: cả người bán hàng tự phát và cửa hàng lớn đều ngang nhiên bày bán thuốc lá. Người thì bỏ vào rổ vài bao, người để cả tút trên chồng bánh cho khách dễ nhìn thấy, người cẩn thận cho vào hộp kính, người kín đáo hơn thì để khuất sau chồng bánh kẹo, ai hỏi mới đưa ra. 

Một chủ cửa hàng trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Vẫn biết bày bán thuốc lá là vi phạm nhưng chưa bị phạt lần nào nên vẫn bán. Thuốc lá dễ mua, lại rẻ, mua bao nhiêu cũng có nên chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh người nhà, thậm chí là cả bệnh nhân ngồi dưới sân bệnh viện hút thuốc lá. Không chỉ ở bệnh viện, ở bến xe, trong nhà hàng, khách sạn... hay tại một số công sở dù đã có biển cấm nhưng tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày.

Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ năm 2013 nêu rõ: nếu hút thuốc lá ở khu vực có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng; chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá và không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng... 

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc xử phạt người có hành vi hút thuốc lá, bán thuốc lá vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn rất khó khăn, hầu hết chưa bị xử phạt, biện pháp chính vẫn là truyền thông, nhắc nhở nâng cao kiến thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Lĩnh vực y tế đã có xử phạt nhưng còn thấp, chưa có tính răn đe, còn các lĩnh vực, ngành khác các quy định xử phạt hầu hết vẫn nằm trên giấy.

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa mấy hiệu quả còn bởi một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thiếu tính khả thi; cán bộ tham gia ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá còn hạn chế. Lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng và kiêm nhiệm nên việc kiểm tra giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa thực sự quan tâm đến xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát còn mang tính cả nể, dè dặt nên việc triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thực tế còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ quy định “cấm hút thuốc lá” của người dân còn hạn chế, đặc biệt là nam giới, đối tượng thanh thiếu niên... Việc tổ chức triển khai các biện pháp tư vấn, cai nghiện thuốc lá vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa xây dựng được các mô hình tư vấn, cai nghiện thuốc lá hiệu quả.

Tất cả những khó khăn, những rào cản trên nếu không được kịp thời tháo gỡ bằng những giải pháp có tính khả thi cao thì công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là “cuộc chiến” nan giải, nhiều cam go với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và người dân.

Thu Hiền