Chủ nhật, 05/05/2024, 15:11[GMT+7]

Con bò sinh kế ở Tiền Hải (Kỳ 3)

Thứ 7, 08/06/2019 | 09:25:55
3,062 lượt xem
Trong khi 21 hộ dân của xã Đông Hải (Tiền Hải) bán bò giống hỗ trợ sinh kế, thì đàn bò được hỗ trợ của 2 xã Nam Chính, Đông Long lại sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện hỗ trợ bò giống sinh kế cũng còn nhiều việc phải bàn.

Bò giống hỗ trợ sinh kế cho hộ dân xã Nam Chính ( Tiền Hải) phát triển tốt

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Cho cần câu hơn cho xâu cá

Bò là tài sản lớn

Đã gần trưa, trời nắng gắt nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, thôn Năng Tĩnh (xã Nam Chính) vẫn cặm cụi chuẩn bị các loại thức ăn cho con bò được hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo trên địa bàn huyện Tiền Hải giai đoạn 2018 - 2020. Bà Xuân hồ hởi khoe: Với tôi con bò không chỉ là tài sản lớn nhất trong nhà mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cả xã hội với người nghèo. Tôi gửi lời cảm ơn các cấp, các ngành đã giúp gia đình tôi cũng như các hộ nghèo khác có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tôi hứa sẽ chăm sóc bò thật tốt để nó sinh sản, phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình chị Phạm Thị Loan, thôn Hưng Thịnh là một trong những hộ khó khăn của xã Đông Long. Chồng chị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, bản thân chị cũng vừa đi mổ khối u về nên sức khỏe yếu. Cuối năm 2018, gia đình chị được hỗ trợ một con bò giống sinh kế để phát triển sản xuất. Chị Loan chia sẻ: Nhận được bò, hai vợ chồng mừng lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ gia đình tôi lúc khó khăn. Dù 2 vợ chồng ốm đau không thể lao động nặng, kinh tế thì kiệt quệ nhưng tôi vẫn cố gắng giữ con bò gửi anh trai nuôi giúp. Bò đang sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình rất phấn khởi có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Phóng viên Báo Thái Bình trao đổi với người dân xã Nam Chính (Tiền Hải) về hiệu quả mô hình hỗ trợ bò giống sinh kế.

Bà Xuân, chị Loan là 2 trong số 36 hộ nghèo, cận nghèo của xã Đông Long và Nam Chính (mỗi xã có 18 hộ) được nhận bò hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo trên địa bàn huyện Tiền Hải. Sau 6 tháng nhận bò, 35/36 con khỏe mạnh, phát triển tốt (1 con bị nhiễm ký sinh trùng đường máu ốm chết). Khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao 3 xã cùng tham gia dự án nuôi bò giảm nghèo của huyện Tiền Hải thì đàn bò của xã Đông Long và Nam Chính được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, còn 21 hộ dân của xã Đông Hải lại đem bán bò giống hỗ trợ sinh kế. Ông Phạm Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Đông Long chia sẻ kinh nghiệm: Để giữ đàn bò, xã giao cho các thôn bình xét hộ được hỗ trợ bò công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Các hộ được nhận bò phải có đủ điều kiện về sức khỏe, cam kết khi nhận bò chăm sóc và nuôi dưỡng cẩn thận, không được bán bò của dự án, phải có nguồn vốn đối ứng làm chuồng và mua thức ăn cho bò. Xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò tới tận hộ gia đình, giao cho cán bộ thú y theo dõi giám sát từng con bò, hướng dẫn các hộ cách trị các bệnh khi bò mắc phải. Đông Hải ngay sát Đông Long nên khi các hộ dân bên ấy bán bò giống hỗ trợ sinh kế, xã tiến hành rà soát, giao cán bộ xuống từng hộ nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền động viên bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm, chăm sóc đàn bò chu đáo để sớm thoát nghèo. Nhờ vậy, đến nay 18 con bò của Đông Long đều được các hộ chăm sóc tốt.

Theo ông Vũ Thành Lộc, cán bộ Lao động - Thương binh  và  Xã hội xã Nam Chính: Sau khi nhận bò từ dự án, xã giao cho bí thư chi bộ, trưởng thôn cùng cán bộ thú y thường xuyên đến tận hộ gia đình nắm tình hình tư tưởng, hướng dẫn, động viên các hộ chăm sóc bò cho tốt, tuyệt đối không bán bò, nếu bán phải đền tiền hoặc trả lại bò cho dự án. Ngoài ra, xã trích ngân sách hỗ trợ tiền mua thuốc, công thú y để chữa trị cho những con bò mắc bệnh nên bà con rất vui mừng, phấn khởi, tích cực nuôi bò và mong muốn được thoát nghèo.

Trả lời câu hỏi tại sao trong số 36 hộ được hỗ trợ bò giống sinh kế của 2 xã Đông Long và Nam Chính chỉ có 12 hộ nghèo, còn lại là 24 hộ cận nghèo, lãnh đạo 2 địa phương lý giải: Con bò là tài sản lớn nên hỗ trợ đối với hộ nghèo rất đáng quý. Tuy nhiên, để chăm sóc, nuôi dưỡng được con bò lại cần những hộ có đủ điều kiện về nhân lực, sức khỏe, có vốn đối ứng làm chuồng trại, thức ăn. Đa số những hộ nghèo đều là những hộ có hoàn cảnh ốm đau, sức khỏe yếu, già cả, neo đơn, qua bình xét có nhiều hộ không đáp ứng đủ điều kiện để chăm sóc bò. Thậm chí, có những hộ nghèo sau khi có đơn cam kết nhận bò, được bình xét hỗ trợ nhưng lại xin rút không tham gia, dẫn đến việc phải bình xét lại các hộ khác thay thế. Nếu cứ giao bò cho những hộ nghèo tuổi cao sức yếu thì khi các hộ nhận bò về không chăm sóc được họ sẽ bán đi, làm thất thoát tiền ngân sách Nhà nước. Đây chính là lý do số hộ cận nghèo được nhận bò hỗ trợ của Nam Chính, Đông Long nhiều hơn số hộ nghèo và sau khi nhận bò không có hộ dân nào có ý kiến thắc mắc gì.

Quan tâm đến nguyện vọng của người nghèo

Mô hình hỗ trợ bò giống sinh kế lâu nay vẫn được  được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ bò giống sinh kế ở 3 xã  Đông Hải, Đông Long và Nam Chính cho thấy việc triển khai thực hiện dự án hiệu quả hay không thì chính quyền địa phương giữ vai trò quan trọng. Nếu chính quyền từ xã tới thôn thường xuyên quan tâm, sâu sát trong quản lý, giám sát, hướng dẫn các hộ “đến nơi, đến chốn” về cách nuôi, phòng bệnh hiệu quả cho bò chắc chắn đàn bò sẽ sinh sôi nảy nở. Nếu chính quyền địa phương bình xét gia đình nhận bò hỗ trợ đúng đối tượng nhưng lại không đủ điều kiện về sức khỏe để chăm sóc bò, buông lỏng quản lý, không sâu sát, đàn bò sẽ hao hụt đi như ở xã Đông Hải. 21 con bò giống hỗ trợ sinh kế của Đông Hải bị bán đi cũng cho thấy nhận thức của một bộ phận người nghèo, cận nghèo hiện nay còn hạn chế, vẫn giữ tư tưởng “ăn sổi ở thì”, “bán cần câu để lấy cá”, trông chờ ỷ lại, không có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Phạm Thị Loan ở xã Đông Long (Tiền Hải) dù rất khó khăn nhưng vẫn chăm sóc tốt con bò giống được hỗ trợ.

Từ câu chuyện hỗ trợ bò giống sinh kế ở huyện Tiền Hải cho thấy để chương trình hỗ trợ giảm nghèo phát huy hiệu quả thì các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương  cùng với MTTQ và các đoàn thể cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo; đánh giá, phân loại và chọn đối tượng hộ nghèo, cận nghèo phải sát thực tế; nắm chắc được tâm tư, nguyện vọng của họ, rồi  “cùng suy nghĩ, cùng bàn, cùng làm” giúp họ thoát nghèo. Với mục đích “Cho cần câu hơn là cho xâu cá”, các ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương cần phải rút kinh nghiệm xem mô hình hỗ trợ  giảm nghèo nào tốt, hiệu quả thì phát huy, mô hình nào chưa tốt, chưa phù hợp thì rút kinh nghiệm chấn chỉnh; đồng thời tính toán, nghiên cứu lựa chọn những mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo tốt hơn. Quan trọng nhất là bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo cần nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm, vượt khó, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Sau khi xảy ra sự việc những hộ dân của xã Đông Hải bán bò giống hỗ trợ sinh kế, UBND huyện đã kiểm tra, giám sát chỉ đạo 3 xã tham gia dự án quản lý chặt chẽ số bò còn lại, yêu cầu những hộ đã bán bò phải mua lại bò mới hoặc trả lại tiền cho dự án. HĐND huyện đã giám sát việc quản lý, chăm sóc đàn bò tại 2 xã Đông Long và Nam Chính. Sau vụ việc này, UBND huyện Tiền Hải rút kinh nghiệm nghiêm túc, tìm giải pháp khắc phục để quản lý, thực hiện tốt hơn chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Nam Chính

Dự án hỗ trợ bò giống sinh kế cho hộ nghèo là rất kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu đàn bò phát triển tốt, chỉ một vài năm nữa nhiều bê con sẽ ra đời giúp các hộ có nguồn thu nhập. Địa phương mong muốn tiếp tục nhận được các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, nhất là hỗ trợ bò giống sinh kế; tăng mức hỗ trợ để bà con nhận được bò trưởng thành hơn, nhanh sinh sản để sớm có thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ thú y xã Đông Long

Hầu hết bò giống hỗ trợ sinh kế sau khi tiếp nhận nuôi tại các hộ gia đình ở xã Đông Long do thay đổi về điều kiện nuôi đều bị ngã nước, mắc các bệnh nấm da, nhiễm ký sinh trùng hoặc tiêu chảy. Tôi đến từng gia đình hướng dẫn các hộ cách trị bệnh cho bò. Các hộ đều rất hợp tác, cho ăn, chăm sóc bò cẩn thận nên sau 2 tháng các con bò đều khỏi bệnh, phát triển tốt.


Nguyễn Hình - Phan Lợi