Thứ 3, 23/07/2024, 20:35[GMT+7]

Từ diệt giặc dốt đến những giải thưởng danh giá

Thứ 6, 29/12/2023 | 16:28:19
1,436 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào bình dân học vụ được phát động, nhanh chóng lan tỏa tới từng làng, từng xã với mục tiêu “diệt giặc dốt”, sau đó phát triển mạnh mẽ trong thời gian hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc. Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt hành trình phát triển, dù ở thời chiến hay thời bình, Thái Bình luôn coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp “trồng người”. Từ một ngành có quy mô nhỏ bé, đến nay sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thái Bình đã vươn lên vị trí những tỉnh có nền giáo dục phát triển trong cả nước.

Học sinh Trường Tiểu học Thụy Quỳnh (Thái Thụy) thể hiện tiết mục đồng diễn múa hát chèo.

Tiếng bom ngừng, tiếng thầy trò lại vang

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự nghiệp giáo dục mới được chú ý. Ngay năm đầu sau Cách mạng, phong trào toàn dân đi học đã diễn ra hết sức sôi động. Tiếp đến là cuộc kháng chiến trường kỳ, từ vùng căn cứ du kích đến vùng tạm bị địch chiếm đóng, các lớp bình dân học vụ vẫn liên tiếp được tổ chức. Các ngành học, cấp học đã đi từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, ngày càng phát triển vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi những thầy cô giáo làm công tác bình dân học vụ là những “vô danh anh hùng” vì những đóng góp thầm lặng của họ. Và Người cũng nói “học bình dân cũng là học đạo đức”. Điều này càng ngẫm càng thấy đúng bởi người dạy nhiệt tình, không vụ lợi còn người học thì hăng say. 

Ông Bùi Đình Chuội, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn. Hơn 2/3 thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về những ngày học gian khó vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Ông chia sẻ: Trong những năm Thái Bình phải chịu chiến tranh phá hoại, cả thầy và trò đều phải học trong tiếng bom đạn. Nhưng dù vậy, việc dạy và học chưa bao giờ dừng lại, các lớp học được tổ chức trong những lán trại, nhà chùa... Khi tiếng bom ngừng, tiếng giảng bài, đọc bài của thầy trò lại vang lên. Thời ấy, dù bận đến mấy, dù nạn đói hoành hành nhưng người người vẫn kéo nhau đi học. Các ông bà già, rồi các chị phụ nữ tay ấp con mọn vẫn đi học. Vật chất phục vụ học tập khó khăn nên trên lưng con trâu người ta cũng có thể viết chữ lên được. Cứ phương tiện gì học được là học. Không có bút thì thầy cầm cái que vạch lên mặt đất. Tôi thấy rằng, bao nhiêu năm qua, dù trong khó khăn hay đã đổi mới thì sự nghiệp “trồng người” luôn được tỉnh quan tâm, đầu tư với nhiều chính sách, cơ chế kịp thời, thiết thực.

Còn trong ký ức của bà Lê Thị Đua, sinh năm 1939, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà), khi ấy, ban ngày mọi người tham gia sản xuất, hễ trời chuyển tối, từ người già đến trẻ nhỏ lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. 

Bà Đua tâm sự: Mặc dù trong những tháng năm kháng chiến gian khổ, tỉnh ta chịu mưa bom bão đạn nhưng việc dạy và học chưa bao giờ dừng lại. Dưới ánh đèn dầu lập lòe, không phân biệt già trẻ, trai gái, những mái đầu cặm cụi, ê a đánh vần. Người biết nhiều chữ dạy lại, kèm cặp cho người biết ít, cứ vậy dần dần tất thảy chúng tôi đều biết đọc, biết viết. Không biết chữ được coi như một loại giặc, vì vậy việc học được các thôn làng thực hiện ở khắp nơi. Không chỉ học ở đình làng hay trong căn nhà lá đơn sơ, những con chữ còn được coi như “mật khẩu” để vào làng. Thầy giáo thường để cái nong, cái bảng ở cổng làng, ai đi qua thì chỉ chữ bắt đọc, đọc được thì được qua. Vì thế mà tôi và nhiều bạn dù nhỏ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng.

Nhờ biện pháp “vết dầu loang”, từ 2 xã được công nhận xóa nạn mù chữ (năm 1947) là xã Nhâm Lang (nay là xã Tân Tiến, Hưng Hà), xã Phú Lương (Đông Hưng), đến năm 1949, Thái Bình là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước thanh toán xong nạn mù chữ. Nhờ thành tích đó, tỉnh được Đảng, Nhà nước thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sổ vàng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III tặng danh hiệu “Tỉnh quang minh”. 74 năm sau, ngày 16/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Quyết định số 1386 công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.

Những phần thưởng danh giá

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đó đến nay, lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện, trong đó giáo dục và đào tạo là một sự nghiệp lớn và có nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ những mốc son trong công tác “diệt giặc dốt”, giáo dục và đào tạo ngày càng chuyển biến mạnh về chất lượng dạy và học, tiến tới tạo một xã hội học tập suốt đời. Sự quan tâm của tỉnh qua các thời kỳ đã giúp cho ngành giáo dục và đào tạo thêm động lực phấn đấu, đạt thành tích cao qua từng năm. 

Dấu ấn đặc biệt đối với ngành đó là năm học 1992 - 1993, Tô Huy Quỳnh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình đã xuất sắc giành huy chương bạc Toán quốc tế tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ (IMO 34). Đây là tấm huy chương đầu tiên mà tỉnh đạt được trên đấu trường trí tuệ quốc tế. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết: Trong 35 năm qua, trường có 14 học sinh tham gia và đạt giải, bằng khen quốc tế, chủ yếu là môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Đặc biệt, trong 2 năm học liên tiếp (2014 - 2015, 2015 - 2016), em Vũ Xuân Trung lập cú đúp khi giành liên tiếp 2 tấm huy chương vàng môn Toán quốc tế. Đến nay, các em đã ra trường và công tác tại những vị trí quan trọng của các tập đoàn kinh tế, cơ quan nhà nước hoặc thành lập công ty riêng. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào, công tác và sinh sống ở đâu, các em đều dành sự quan tâm đặc biệt cho các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh của trường. Vào các dịp lễ, tết hoặc lễ xuất quân đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, cựu học sinh đều tổ chức trao quà, học bổng cho học sinh các đội tuyển. Từ sự tiếp sức, truyền lửa của các anh chị đi trước, các đội tuyển của trường có thêm động lực để hoàn thành xuất sắc các kỳ thi quốc gia.

Với bản lĩnh, tự tin, sự khát khao chinh phục các ngọn núi tri thức, năm học vừa qua, em Đặng Lê Nguyên Vũ, cựu học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà đã xuất sắc trở thành quán quân vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia - một cuộc thi trí tuệ có cạnh tranh cao. 

Nguyên Vũ chia sẻ: Cuộc thi cho em rất nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ với nhiều người bạn mới, chung mục tiêu là khám phá tri thức. Mặc dù em đang học ở Hà Nội để chuẩn bị các điều kiện cho quá trình du học sắp tới nhưng em vẫn thường xuyên liên lạc với các thầy cô, bạn bè và các bác ở huyện Hưng Hà. Em rất biết ơn các thầy cô, những người đã hỗ trợ và giúp đỡ em rất nhiều trong suốt quá trình học tập của em. Không có sự giúp đỡ và hỗ trợ đó thì em đã không nghĩ tới việc đi thi Olympia và có được những thành quả như ngày hôm nay. Nguyên Vũ cho biết, sau khi hoàn thành chương trình du học, em sẽ dành thêm thời gian để học lên cao hơn, cũng như đi làm để tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài. Tương lai em rất mong muốn được đóng góp thật nhiều để Thái Bình ngày càng phát triển và phồn vinh.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Dũng Nghĩa (Vũ Thư) quen với việc hoạt động nhóm trong học tập.

Không chỉ là đấu trường trí tuệ quốc tế hay cuộc thi quốc gia, thế hệ trẻ Thái Bình luôn tự tin, năng động, bản lĩnh, trí tuệ. Nhiều học sinh giành giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp; giai điệu tuổi hồng - sân chơi văn hóa nghệ thuật; hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT... 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay toàn tỉnh có đủ hệ thống các trường học từ mầm non đến đại học, với đủ các loại hình, cấp học và ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Thành tích của ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình trong năm học qua thực sự rất đáng trân trọng, tự hào. Bước vào giai đoạn mới, ngành giáo dục Thái Bình đang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như tiếp tục đầu tư, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án... với những mục tiêu hết sức cụ thể, trong đó trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình và phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và nước nhà trong tương lai. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục tiếp tục khẳng định mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Đặng Anh