Thứ 3, 23/07/2024, 20:30[GMT+7]

Để giáo viên mầm non yên tâm đứng lớp

Thứ 7, 30/12/2023 | 14:03:29
2,228 lượt xem
Công việc nhiều, áp lực lớn, cường độ lao động cao, thời gian nghỉ ngơi eo hẹp... Đặc thù công việc đã khiến nhiều giáo viên mầm non ảnh hưởng đến sức khỏe, thiếu thời gian dành cho gia đình. Trước thực trạng này, các cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp để động viên, hỗ trợ, giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác, cống hiến cho nghề.

Cô giáo Trường Mầm non Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) hướng dẫn trẻ nhận biết các loại rau.

Vừa dạy vừa nuôi

Một ngày làm việc của cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Đến lớp sớm, cô cùng cô giáo phụ trách lớp dọn dẹp, đón trẻ và cho trẻ ăn sáng, tập thể dục, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời. Buổi trưa, khi trẻ ngủ, cô tranh thủ soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi. Buổi chiều, cô cho trẻ ăn bữa phụ và dạy trẻ hành trang chuẩn bị vào lớp 1. Lớp cô giáo Lê Thị Thanh Tâm đang dạy hiện có 25 cháu 5 tuổi, năm học tới sẽ vào lớp 1. Công việc nhiều, áp lực lớn đôi lúc khiến cô cảm thấy mệt mỏi, thiếu thời gian dành cho gia đình. Cô Tâm chia sẻ: Thời gian làm việc của giáo viên mầm non một ngày quá dài, vừa nuôi vừa dạy, chưa kể làm việc tại trường mầm non tư thục, “nhất cử nhất động” của chúng tôi đều có sự giám sát của gia đình trẻ qua camera. Nhiều tình huống sư phạm từ khi vào nghề đến nay khiến tôi rút ra nhiều bài học cho bản thân. Gần đây nhất đó là trong giờ học, tôi phát hiện một trẻ có biểu hiện lạ, ngay lập tức tôi báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường và liên lạc với cha mẹ trẻ, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, kịp thời gắp dị vật trong tai của trẻ. Qua trao đổi với phụ huynh và kiểm tra lại camera của lớp, trẻ có dị vật trong tai là do chiều ngày hôm trước, gia đình cho trẻ ra công viên chơi, trẻ cho một viên sỏi nhỏ vào tai. Những tình huống khi ở trường khiến tôi rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân, đặc biệt là sự phối hợp với cha mẹ trẻ, từ đó tôi luôn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía phụ huynh để yên tâm công tác.

Cô giáo Vũ Thị Tuyết, Trường Mầm non Bách Thuận (Vũ Thư) có 13 năm công tác trong nghề, cô đảm nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từ nhóm nhà trẻ đến mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn. Cô giáo Tuyết chia sẻ: Khó khăn lớn nhất đối với giáo viên mầm non chúng tôi là thời gian, cường độ làm việc rất lớn, trẻ nhà trẻ phụ thuộc các cô hoàn toàn, trẻ mẫu giáo mặc dù đã tự phục vụ nhưng thời gian ở với các cô nhiều hơn với bố mẹ nên trách nhiệm của chúng tôi rất cao. Do đặc thù công việc, đội ngũ giáo viên mầm non cần phải có sức khỏe, thể chất tốt để không những chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục mà còn trông giữ, bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ khi ở trường. Còn với cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Trường Mầm non Song An (Vũ Thư), phần lớn thời gian trong 15 năm công tác, cô được nhà trường tin tưởng giao đảm nhận các lớp nhà trẻ. Có những trẻ mới đi học được vài buổi vẫn khóc vì còn lạ cô lạ bạn, có bé còn đang ngái ngủ, thậm chí có những bé ốm mà vẫn phải đến lớp do không có người trông. Theo cô Tâm, từ nhiều năm nay, lực lượng lao động trong xã đi làm ăn xa hoặc làm ở các khu, cụm công nghiệp đông nên con cái để ở nhà cho ông bà chăm, hoặc phải ra lớp sớm để bố mẹ kịp vào ca... Vì vậy, có nhiều trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nên khi trẻ đến lớp, cô vừa là cô giáo vừa là mẹ để chăm sóc các con, chăm chút các con từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến việc vệ sinh cá nhân, lo lắng khi các con hắt hơi sổ mũi.

Bảo đảm quyền lợi, tạo môi trường làm việc tích cực

Trường Mầm non Hồng Nhung hiện có 2 cơ sở với 90 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Là cán bộ quản lý trực tiếp qua nhiều năm, thấu hiểu công việc của giáo viên, bà Đoàn Thị Hoan, Hiệu trưởng nhà trường đồng cảm: Hiện chúng tôi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi giáo viên phải tập trung cao độ trong suốt quá trình trẻ ở trường để bảo đảm an toàn cho trẻ. Vì vậy, nhà trường luôn quan tâm, bảo đảm quyền lợi và tạo môi trường làm việc tích cực cho giáo viên thông qua việc trả lương theo vị trí việc làm và các chế độ đãi ngộ phù hợp. Hàng năm, được nâng lương theo lộ trình, tính thâm niên và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là những phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm giúp giáo viên hiểu nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề. Ngoài ra, nhà trường bố trí đội ngũ nhân viên thực hiện các công việc như vệ sinh trong và ngoài lớp học, vận chuyển các suất ăn bán trú đến từng lớp để các cô tập trung vào công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con tại lớp của mình. Mặc dù hệ thống camera khiến các cô áp lực khi gia đình trẻ theo dõi bữa ăn giấc ngủ con em mình nhưng đây cũng là phương thức để nhà trường bảo vệ các cô giáo khi có phản ánh chưa chính xác của phụ huynh học sinh.

Bà Bùi Thị Ngọt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Song An (Vũ Thư) chia sẻ: Động viên, chia sẻ với các cô giáo là quan tâm hàng đầu của nhà trường thông qua việc tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để nhận được sự quan tâm, chia sẻ, yên tâm của phụ huynh khi gửi gắm con em ở trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Với những tình huống bất thường, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ luôn đồng hành cùng các cô giáo để có biện pháp xử lý kịp thời. Vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của xã luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Việc xử lý các tình huống sư phạm cũng được Trường Mầm non Bách Thuận (Vũ Thư) đặc biệt chú trọng. Bà Vũ Thị Nụ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường triển khai cho giáo viên học tập những quy định của pháp luật, đặc biệt là những điều mà nhà giáo không được làm, đồng thời, nâng cao năng lực, phẩm chất sư phạm cho đội ngũ nhà giáo. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư chia sẻ: Không chỉ các cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngành giáo dục huyện cũng rất quan tâm đến các nhóm mầm non độc lập tư thục. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương quản lý sát sao để bảo đảm đầy đủ điều kiện hoạt động, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non công lập hỗ trợ đội ngũ giáo viên tư thục về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Cùng với sự chủ động của các cơ sở giáo dục, những năm gần đây, các huyện, thành phố đã giao chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế; đồng thời thực hiện các chế độ chính sách, tập trung kinh phí để hỗ trợ đội ngũ giáo viên hợp đồng, xây dựng kế hoạch tuyển dụng để giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.


Đặng Anh