Thứ 6, 03/05/2024, 23:53[GMT+7]

Công nghiệp Đông Hưng: Nhiều kỳ vọng mới

Thứ 3, 16/01/2024 | 08:35:35
8,965 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Đông Hưng đã triển khai nhiều giải pháp khai thác lợi thế về giao thông, nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Phúc Mậu, xã Đông Phương (Đông Hưng) thi đua lao động sản xuất.

Trước đây, bà Lê Thị Phương, xã Đông Phương ngày ngày tần tảo trên đồng ruộng mà thu nhập vẫn bấp bênh. Từ ngày Công ty TNHH Phúc Mậu về địa phương, bà trở thành công nhân, cuộc sống gia đình đã được cải thiện. Bà Phương cho biết: Dù đã có tuổi song Công ty vẫn nhận tôi vào làm, chỉ cần học việc 1 tuần là tôi đã thành thạo công đoạn quét keo giày. Công việc nhẹ, ổn định, lương 6,5 triệu đồng/tháng, tôi còn được Công ty đóng bảo hiểm, hưởng đầy đủ các chế độ. Công nghiệp về làng, chúng tôi không phải “ly hương” mà vẫn có việc làm.

Công ty TNHH Phúc Mậu thành lập năm 2018, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 1.700 lao động là người địa phương và các xã lân cận. 

Ông Nguyễn Văn Lăng, Giám đốc Công ty cho biết: Tôi chọn về Đông Hưng đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất giày dép vì ở đây có nguồn lao động dồi dào, giao thông thuận lợi, cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện cho Công ty hoạt động. Ngành da giày phù hợp nhiều lứa tuổi, chỉ cần đào tạo 3 - 7 ngày là làm được, sau 30 ngày thử việc Công ty đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân. So với trước dịch Covid-19 đơn hàng có giảm, yêu cầu về chất lượng của khách hàng lại cao hơn song Công ty đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định việc làm cho người lao động. Công ty không dừng ở thị trường truyền thống là EU, Mỹ mà đã mở rộng sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... Thời gian này, Công ty đang tổ chức tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã sản xuất 5,5 - 6 triệu đôi giày. Công ty đã ký đơn hàng đến hết quý I/2024.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua đã khiến một số doanh nghiệp không trụ được phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Song năm 2023, huyện Đông Hưng vẫn có khoảng 100 doanh nghiệp thành lập mới, nhiều doanh nghiệp biến trở lực thành động lực, tiếp tục khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường. Một trong số đó là Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và Vận tải Tiên Phong (cụm công nghiệp Đông Các). Trước đây, Công ty chuyên sản xuất gỗ ghép, khi có dịch cũng lâm vào cảnh lao đao. Song nhờ kịp thời nhận được sự hỗ trợ về vốn, được giảm thuế, tạo thuận lợi về hồ sơ, thủ tục, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hàng tỷ đồng sản xuất thêm sản phẩm viên nén gỗ, tấm pallet gỗ. Hiện Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho 100 lao động với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Đoàn Thị Thắm, công nhân Công ty chia sẻ: Trong khi công nhân ở một số doanh nghiệp phải nghỉ việc luân phiên, thu nhập giảm thì ở đây chúng tôi vẫn có việc làm ổn định với mức lương khá, hầu hết những công việc nặng nhọc, nguy hiểm đã có máy móc hỗ trợ.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và Vận tải Tiên Phong.

Trong bối cảnh khó khăn chung, giá nguyên nhiên liệu, chi phí vận tải, logistics tăng cao song sản xuất công nghiệp của huyện Đông Hưng vẫn đạt kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 3,01% so với năm 2022, trong đó một số ngành hàng đạt mức tăng trưởng khá như dệt may, gia công cơ khí, hàng điện tử, đồ gỗ, chế biến lương thực... Để sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng ổn định, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, giảm thuế, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường thu hút đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp. Trong năm, huyện đã quy hoạch và được tỉnh phê duyệt thành lập mới, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng 3 cụm công nghiệp là Hồng Việt, Phong Châu, Đông Phong. Từ đầu năm đến nay có 16 dự án mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. 

Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2024, Đông Hưng phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt trên 7%, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng trên 9%. Do vậy, huyện xác định năm 2024 là năm tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, để tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sử dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, xây dựng doanh nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường...

Ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và Vận tải Tiên Phong (cụm công nghiệp Đông Các, huyện Đông Hưng)
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Công ty tận dụng từng cơ hội nhỏ để thích nghi, ổn định sản xuất, trong đó nguyên liệu dùng để sản xuất là gỗ tận dụng từ bao bì nhập khẩu của một số công ty nhằm giảm giá thành, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Năm 2021, Công ty đã mạnh dạn đầu tư trên 3 tỷ đồng mua hệ thống máy hiện đại sản xuất viên nén gỗ. Đây là mặt hàng thân thiện môi trường, tận dụng được tất cả phế liệu gỗ khi sản xuất các sản phẩm khác, lại là mặt hàng đang được nhiều công ty trong và nước ngoài sử dụng để thay thế than và ga, đặc biệt là các gia đình ở nước ngoài dùng để đốt sưởi ấm. Cùng với sản phẩm mới gỗ pallet, sản xuất viên nén gỗ đã giúp Công ty phục hồi, tăng trưởng khá, công nhân phải chia 2 ca sản xuất mới kịp trả đơn hàng cho khách, do đó thu nhập của công nhân cũng tăng cao hơn trước. Mỗi tháng doanh thu đạt khoảng 5 tỷ đồng. Công ty đang xây dựng dự án xin mở rộng nhà xưởng 1,6ha để tạo thêm việc làm, đáp ứng nhu cầu sản xuất với các đơn hàng lớn, mong cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ.

Anh Trần Quang Duy, công nhân Công ty TNHH Phúc Mậu (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng)
Học xong cấp III, tôi xin vào làm tại Công ty TNHH Phúc Mậu cho gần nhà. Chỉ phải học nghề 1 tuần là được nhận vào làm chính, 1 tháng sau được đóng bảo hiểm. Môi trường làm việc ở đây rất tốt, an toàn, xanh, sạch, có nhiều ưu đãi cho công nhân, đặc biệt là công việc ổn định không bị ngắt quãng. Hiện giờ tôi và công nhân Công ty đang tăng ca 2 tiếng/ngày vừa bảo đảm đơn hàng giao cho khách vừa tăng thu nhập cho bản thân. Tôi sẽ nỗ lực làm tốt công việc của mình để góp phần cho doanh nghiệp phát triển.


Hiếu Nghĩa